Chuyển đổi khu cách ly thành các cơ sở y tế: Chiến lược đúng đắn và kịp thời

Thứ hai, ngày 30/08/2021

(BDO) Chuyển khu cách ly thành các cơ sở y tế

Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh có gần 150 cơ sở cách ly tại các huyện, thị, thành phố. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã có một số trường hợp bệnh nhân tiến triển nặng tại các khu cách ly, như: Bệnh nhân có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người béo phì, người già trên 65 tuổi. Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai thành lập các cơ sở y tế tại chính các khu cách ly tạm thời này. Những cơ sở y tế này được bố trí các trang thiết bị y tế cơ bản để theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0, như: Bình oxy, máy đo nồng độ oxy trong máu, bảo đảm cơ số thuốc cấp cứu, xe cứu thương hoặc xe của đội phản ứng nhanh có oxy trên xe.

Chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên

Mỗi cơ sở y tế có từ 1 đến 2 bác sĩ, điều dưỡng và lực lượng tình nguyện viên, quân đội giám sát chặt chẽ người nhiễm; thường xuyên động viên chia sẻ với người dân để họ yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có xe cứu thương, có điện thoại để người dân ở khu vực gọi điện đến khi cần hỗ trợ. Sau khi đã được cấp cứu, điều trị, bệnh nhân tăng nặng sẽ được các cơ sở y tế này liên hệ với các cơ sở điều trị tầng 2 để tiếp tục điều trị.

Y sĩ Phạm Minh Trung, Trưởng Trạm y tế phường Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên, cho biết cơ sở đang theo dõi sức khỏe cho 91 F0, trong đó có 39 F0 phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Khu được trang bị máy SPO2, một số thuốc thiết yếu và phân công 1 cán bộ y tế phụ trách theo dõi sức khỏe F0 đang cách ly tại đây. Mỗi ngày 2 lần, nhân viên y tế đến từng phòng thu bảng theo dõi sức khỏe của F0.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết những ngày qua thị xã cấp tốc chuyển đổi hơn 50 khu cách ly thành các cơ sở y tế. Lãnh đạo thị xã cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế cung cấp đầy đủ oxy, bố trí mỗi cơ sở y tế phải có ít nhất 1 nhân viên y tế để theo dõi sức khỏe của người cách ly. Đặc biệt với những trường hợp có nguy cơ, trung tâm rà soát các trường hợp phụ nữ mang thai, trẻ em, người có bệnh lý nền, người già trên 65 tuổi tại các cơ sở để chuyển vào các khu điều trị tầng 2.

Trong khi đó tại TP.Thuận An, 34 cơ sở cách ly cũng chuyển đổi công năng thành các cơ sở y tế. Hiện thành phố đang hỗ trợ công tác phân tầng điều trị, đặc biệt ở tầng 1. Đặc biệt, với những người nhiễm Covid-19 có kết quả âm tính ở ngày thứ 7, khỏe mạnh, Trung tâm Y tế thành phố cho về nhà tiếp tục theo dõi và giám sát y tế đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, ở các khu vực phong tỏa, thành phố cũng tiến hành cung cấp thông tin hướng dẫn cách ly F0, F1 tại nhà, cung cấp đầy đủ thuốc cơ bản và thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Bình Dương đang ở đỉnh dịch

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Y khoa Trung tâm hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Becamex, nhận định rằng Bình Dương đang ở đỉnh dịch. Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, chủ trương tăng cường y tế đến tận xã, phường để điều trị sớm cho bệnh nhân Covid-19 là chủ trương hết sức đúng đắn. Trong điều trị Covid-19, việc dùng thuốc sớm, đúng thời điểm là rất quan trọng, sẽ ngăn chặn tình trạng bệnh nhân tăng nặng. Khi được được điều trị sớm, vi rút sẽ không có điều kiện bùng phát trong cơ thể. Kết quả đã được thấy rõ trong thực tế điều trị là các bệnh viện tầng 2 đã được giảm tải.

Trước đây, các bệnh viện tầng 2 có mức độ nhập viện chiếm 200% số giường điều trị, thậm chí bệnh nhân không có giường nằm. Tỉnh đã tăng cường năng lực của các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu, bệnh viện tầng 1 nên hiện nay tầng 2 đã được giảm tải rất nhiều, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân tử vong đã được khống chế; số bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh liên tục tăng lên. Liên tục từ ngày 23-8 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện luôn cao hơn tỷ lệ bệnh nhân nhập viện.

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, kết quả này góp phần đưa Bình Dương đạt đỉnh dịch cùng với 2 nguyên nhân khá quan trong chiến lược dập dịch mà tỉnh đã thực hiện là “khóa chặt, đông cứng” 15 phường ở TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên và nhanh chóng tiêm vắc xin cho người dân. Liên tục những ngày qua, số ca F0 đang tăng mạnh là do tỉnh thực hiện chiến lược xét nghiệm cộng đồng và tập trung nhiều vào những địa phương này nên các trường hợp dương tính ở đây khó có khả năng lây lan trong cộng đồng. Trong khi đó tỉnh đã tiêm được gần 1 triệu liều vắc xin. Khi tỉnh tiêm được hơn 70% dân số thì tình trạng dịch sẽ không bị tăng nặng như những ngày đầu.

“Khi đang ở đỉnh dịch, vấn đề đặt ra là tỉnh sẽ vượt sườn dịch như thế nào để dập dịch hiệu quả. Để vượt đỉnh dịch hiệu quả, tỉnh cần phải vượt qua 3 khó khăn trong giai đoạn này, là: Thực hiện nghiêm ngặt giãn cách không cho dịch bệnh xâm nhập vào “vùng vàng”, “vùng xanh”; duy trì năng lực 3 tầng điều trị và được Bộ Y tế phân đủ cơ số vắc xin để tiêm cho khoảng 70% dân số. Vượt qua 3 khó khăn này, Bình Dương sẽ sớm vượt sườn dịch, trở về trạng thái bình thường mới”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nhận định.

 Tính đến sáng 29- 8, tích lũy trong đợt dịch thứ 4, Bình Dương đã có hơn 54.102 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, chiếm gần 54,76% tổng số ca nhiễm trong đợt dịch (98.794 ca nhiễm). Chỉ tính riêng từ ngày 19-8 cho đến ngày 29-8, toàn tỉnh có 39.326 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, chiếm 72,68% tổng số bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện trong toàn đợt dịch.

 KIM HÀ