Chuyển đổi cơ cấu, nâng tầm phát triển
(BDO) Huyện Dầu Tiếng là địa phương có diện tích trồng cây cao su lớn, với tổng diện tích 49.230 ha. Trong những năm gần đây, cây cao su không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, chính vì vậy địa phương đã tích cực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng nâng tầm phát triển ngành công nghiệp.
Công nhân sơ chế chuối tại trang trại của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) ở huyện Dầu Tiếng
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế, nông dân phát triển các mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các giải pháp vốn, kỹ thuật canh tác, đầu tư hạ tầng kinh tế phục vụ sản xuất.
Đến cuối tháng 9-2024, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện tăng 100 ha so cùng kỳ năm 2023, nâng tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn đạt 960 ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như măng cụt ở xã Thanh Tuyền, sầu riêng, chuối ở xã Thanh An, cam ở xã An Lập, bưởi, quýt ở xã Minh Hòa… Đây là vùng sản xuất có những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trong nhiều năm liên tục.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện Dầu Tiếng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, áp dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện có 253 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (gồm 129 trang trại chăn nuôi gia súc, 124 trang trại chăn nuôi gia cầm), tổng đàn gia súc 223.600 con, đàn gia cầm 3,9 triệu con (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023).
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục khai thác thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; đồng thời nhân rộng mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, dây chuyền công nghệ hiện đại; xây dựng thị trường đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, huyện phát triển du lịch sinh thái ven sông, khu du lịch tại khu vực hồ Dầu Tiếng, các vườn cây ăn trái nhằm khai thác tốt lợi thế của địa phương.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng
Nâng tầm công nghiệp
Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng đã và đang thành lập các khu, cụm công nghiệp để tạo đòn bẩy cho nền kinh tế; đồng thời đầu tư các khu nhà ở cho người lao động, từng bước hình thành các khu dân cư, khu đô thị tạo tiền đề thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển.
Bên cạnh Cụm công nghiệp Thanh An đã hoàn tất đầu tư hạ tầng và hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, Cụm công nghiệp An Lập với diện tích quy hoạch 75 ha đã được khởi công xây dựng vào tháng 4-2024, dự kiến hoàn thiện hạ tầng vào tháng 1-2025 để đón các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Theo quy hoạch, trong thời gian tới trên địa bàn huyện Dầu Tiếng sẽ có 3 khu công nghiệp (KCN) mới gồm KCN Dầu Tiếng 4, KCN Dầu Tiếng 1A, KCN Dầu Tiếng 5 và một số cụm công nghiệp mới nhằm đáp ứng tốt yêu cầu di dời sản xuất công nghiệp từ các địa phương phía nam của tỉnh lên các địa phương phía bắc, cũng như để tiếp đón làn sóng đầu tư mới với quy mô vốn lớn hơn, công nghệ sản xuất cao hơn, hiện đại hơn, góp phần đưa Dầu Tiếng ngày càng phát triển giàu mạnh, bền vững.
TUẤN ANH