Chuyến đi đa mục đích của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông
(BDO) Ngày 24-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Israel, bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới nhiều nước Trung Đông. Theo các nhà bình luận ngoại giao, trọng tâm chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Mỹ xoay quanh việc Israel bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng như thúc đẩy các nước Arab khác làm điều tương tự.
Làm tròn “bổn phận” của nước Mỹ
Theo kế hoạch, trong chuyến công du tới Israel, Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề an ninh khu vực cũng như việc thiết lập và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ của Israel với các nước trong khu vực. Thủ tướng Netanyahu cho biết ông và Ngoại trưởng Mỹ sẽ bàn thảo việc tăng cường hòa bình trong khu vực.
Các chặng dừng chân tiếp theo của Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến công du này sẽ là Sudan, Bahrain, UAE và có thể dừng chân tại Oman, Qatar. Tại UAE, ông Pompeo dự kiến sẽ gặp Thái tử Bahrain Hamad Al-Khalifa trước khi gặp Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan bàn về thỏa thuận với Israel.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo là một trong 2 chuyến thăm của 2 quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông tuần này. Sau chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ, sẽ là chuyến thăm của Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner. Theo kế hoạch, ông Kushner sẽ bắt đầu chuyến công du tới Israel, Bahrain, Oman, Saudi Arabia và Marocco vào cuối tuần này.
Chuyến công du trên diễn ra trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy tham vọng hòa bình giữa Israel với các nước Arab mà Tổng thống Trump hy vọng có thể "đánh bóng" thành tựu trong chính sách đối ngoại của mình trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Các nhà phân tích cho rằng cả hai chuyến thăm trên đều tập trung vào thỏa thuận hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE, các cố gắng của Mỹ về tái áp đặt trừng phạt của Liên Hợp quốc (LHQ) đối với Iran. Rõ ràng, nhìn vào lịch trình dày đặc của chuyến thăm, Washington đang tìm cách tận dụng lực đẩy từ thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE.
Trong tuyên bố thông báo về chuyến công du của ông Pompeo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Bổn phận của Mỹ đối với hòa bình, an ninh và ổn định tại Israel, Sudan và các nước Vùng Vịnh chưa bao giờ mạnh mẽ như dưới thời Tổng thống Trump lãnh đạo”.
Tuy nhiên, cả hai chuyến công du của Pompeo và Kushner đều không được kỳ vọng sẽ mang lại các tuyên bố về những đột phá mà chỉ nhằm mục tiêu tận dụng thành công của thỏa thuận Israel-UAE để hoàn tất ít nhất là một và trong tương lai gần là thêm vài thỏa thuận hòa bình nữa giữa các quốc gia Arập và Israel.
Mỹ làm trung gian cho thỏa thuận Israel – UAE.
Những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhận được từ thỏa thuận Israel-UAE là khá rõ ràng bởi cả hai nhà lãnh đạo đều đang phải vật lộn với các vấn đề ở trong nước và cần một thành tựu trong chính sách đối ngoại. Thế nhưng, thật khó để biết thỏa thuận này có ý nghĩa gì đối với Thái tử UAE Mohammed bin Zayed khi mà ông đã phải có những nhượng bộ lớn nhất để đạt được thỏa thuận trên.
Điểm duy nhất có thể giải thích cho thỏa thuận nói trên là liên quan đến Iran. Chính lợi ích chung trong việc chống Iran đã thúc đẩy Israel và các nền quân chủ tại các quốc gia theo dòng Sunni ở Vùng Vịnh xích lại gần nhau hơn. Từ phân tích này có thể thấy tác động chính của thỏa thuận sẽ là khả năng răn đe tập thể đối với Iran.
Phá vỡ truyền thống
Theo truyền thông quốc tế, bên cạnh những mục tiêu nhãn tiền nêu trên, thực hiện chuyến công du lần này sẽ khiến ông Pompeo vắng mặt tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào ngày 25-8, nơi ông dự kiến có bài phát biểu và Tổng thống Trump sẽ được chính thức chỉ định là người tham gia chạy đua nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Và dù ông sẽ phát biểu từ xa hay là ghi hình lại thì đây cũng là một sự phá vỡ truyền thống lâu đời ở Mỹ là một ngoại trưởng không tham gia vào tiến trình bổ nhiệm chính trị công khai.
Các ngoại trưởng trước đây của Mỹ thường tránh đưa ra những giọng điệu công khai ủng hộ bên nào. 3 người tiền nhiệm của ông Pompeo cũng đã không có mặt tại đất nước và không xuất hiện trong các sự kiện chỉ định ứng cử viên tổng thống của các đảng chính trị của họ. Nếu bài phát biểu dự kiến đưa ra trước hội nghị của ông Pompeo vẫn được tiến hành thì khả năng là ông sẽ ca ngợi các chính sách Trung Đông của Tổng thống Trump và thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mới đây giữa Israel và UAE.
Hiện Bộ Ngoại giao chưa đưa ra bình luận nào về các kế hoạch của ông Pompeo về bài phát biểu trước Đại hội đảng Cộng hòa, điều chưa từng có và trái với thông lệ đối với bất kỳ một thành viên nội các nào, chứ không chỉ riêng ngoại trưởng, người lãnh đạo một lực lượng các nhà ngoại giao phi đảng phái.
Giống như hai người tiền nhiệm của mình là cựu Ngoại trưởng John Kerry và Hillary Clinton, vốn đều thất bại trong cương vị ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Pompeo là một thành viên của Quốc hội trước khi gia nhập nhánh hành pháp. Cả bà Clinton lẫn ông Kerry đều tránh các đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ khi đang giữ chức vụ người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Liệu rằng chuyến công du lần này của các quan chức Mỹ tới Trung Đông của các quan chức Mỹ có làm ông Trump mãn nguyện và phần nào vực dậy được uy tín của ông trước thềm bầu cử Mỹ? Tương lai chính sách của Mỹ trong khu vực Trung Đông sẽ dựa trên mối quan hệ giữa Israel và các đồng minh Arab của Washington.
Với việc các quốc gia Arab khác có thể sẽ theo bước Ai Cập, Jordan và UAE tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel, Washington đang tiến gần hơn đến các điều kiện lý tưởng để thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực, cũng như bảo vệ các lợi ích chung. Ngoài ra, kế hoạch sáp nhập ở Bờ Tây của Israel sẽ bị dừng lại, trong khi mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn với thế giới Arab cũng khiến Israel có thể phải cân nhắc gác lại hoàn toàn kế hoạch này.
Theo CAND