Chuyến đi chiến lược của ông Vương Nghị
(BDO) Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Toshimitsu Motegi và hội kiến Thủ tướng Suga Yoshihide.
Thông qua tiến hành các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên, Nhật Bản và Trung Quốc mong muốn hướng tới việc xây dựng quan hệ song phương ổn định. Tại Hàn Quốc, ông Vương Nghị đã hội đàm với người đồng cấp Kang Kyung-wha và các quan chức nước chủ nhà khác.
“Phá thế vây”
Với Nhật Bản, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhật Bản Lã Diệu Đông, Đại học Khoa học xã hội Trung Quốc, mục đích lớn nhất trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị là phá thế bao vây nước này do Mỹ đứng đầu bằng cách thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á.
Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, do vậy sự phát triển trong quan hệ kinh tế sẽ làm giảm các căng thẳng trong quan hệ chính trị-đối ngoại. Do vậy, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh tới Tokyo rằng cần làm giảm các căng thẳng xung quanh các vấn đề nhận thức lịch sử và tranh chấp lãnh thổ để hướng tới mục tiêu hợp tác về kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết, một vấn đề quan trọng hiện nay là các nước Đông Á cũng sớm phải thực hiện hiệp định thương mại tự do Nhật-Trung-Hàn để mang lại lợi ích cho cả hai nước và khu vực Đông Á. Bắc Kinh cho rằng dù quan hệ Nhật-Trung tồn tại nhiều vấn đề từ trước, mối quan hệ này cũng ảnh hưởng ít nhiều từ bối cảnh chính trị Mỹ, do đó Trung Quốc cũng rất cảnh giác với việc Nhật Bản tham gia mạng lưới bao vây Trung Quốc mà Mỹ đang thúc đẩy.
Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản
Một mục đích quan trọng khác của Bắc Kinh là muốn thăm dò chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền tân Thủ tướng Suga trước khả năng có sự thay đổi tại Nhà Trắng. Phía Nhật Bản hiện cho rằng sẽ không có nhiều sự thay đổi trong quan hệ đối đầu Mỹ-Trung hiện nay dù Mỹ có sự thay đổi chính quyền tới đây, do đó Tokyo cũng sẽ theo dõi quan hệ Mỹ-Trung để có các chính sách phù hợp với Trung Quốc. Đây là nội dung mà Bắc Kinh muốn tìm hiểu để có sự ứng phó kịp thời.
Trong bài phát biểu chính sách tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Suga từng khẳng định quan hệ ổn định với Trung Quốc là rất quan trọng, tuy nhiên Tokyo vẫn sẽ trao đổi với Bắc Kinh những vấn đề mà Tokyo quan ngại. Đúng như vậy, vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông đã được hai bên thảo luận. Tại cuộc họp báo chung của 2 ngoại trưởng, ông Motegi cho hay hai bên đồng ý tiếp tục liên lạc về các vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông, còn ông Vương Nghị bày tỏ mong muốn đó là “vùng biển hòa bình” thông qua hợp tác với Nhật. Bên cạnh đó, hai bên đồng ý dỡ bớt giới hạn đối với các chuyến bay phục vụ kinh doanh vào cuối tháng 11 và dự kiến sẽ có cuộc đối thoại cấp sự vụ về vấn đề hàng hải vào tháng tới.
Trên thực tế, hai bên tiếp tục tranh cãi về chủ quyền tại Senkaku. Trong cuộc điện đàm với ông Joe Biden sau khi ông này được cho là đã đắc cử tổng thống, Thủ tướng Suga đã nhận được đảm bảo từ ông Biden rằng sau khi ông lên nắm quyền, việc bảo vệ quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi áp dụng điều 5 Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định Senkaku là lãnh thổ thuộc Trung Quốc. Do vậy, trong chuyến thăm lần này, Bắc Kinh cũng muốn chuyển đi thông điệp rằng quan hệ Nhật-Mỹ không phải là trụ cột bảo đảm hòa bình và ổn định tại Đông Á như Tokyo thường tuyên bố, mà ngược lại mối quan hệ này đang gây tổn hại tới sự tin cậy về chính trị tại khu vực giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như các lợi ích về chính trị, kinh tế, an ninh nói chung tại Đông Á.
Thể hiện vai trò cường quốc
Đối với Hàn Quốc, chuyến đi lần này của ông Vương Nghị nhằm cố gắng đưa Hàn Quốc xích lại gần hơn với nước này khi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh dự kiến sẽ tiếp tục. Bên cạnh đó, trọng tâm trao đổi của hai bên còn là tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực, các vấn đề toàn cầu đang tồn đọng cũng như các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Ngày 26-11, phát biểu với phóng viên sau cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi tăng cường hợp tác liên quan nỗ lực chống COVID-19, thương mại và tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc đối đầu với CHDCND Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có đang gây sức ép buộc Seoul phải lựa chọn một bên trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang về thương mại, an ninh và các vấn đề khác hay không, ông Vương Nghị đáp: "Mỹ không phải là nước duy nhất trên thế giới. Có 190 quốc gia và mỗi quốc gia đều là nước có chủ quyền. Trong số này có Trung Quốc và Hàn Quốc, hai nước láng giềng thân thiết và nên thăm viếng nhau thường xuyên hơn giống như người thân".
Hãng thông tấn Yonhap cho biết đây là lần đầu tiên ngoại trưởng hai nước hội đàm trực tiếp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay. Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên thuộc Đại học Kinh tế đối ngoại Thượng Hải, Chiêm Đức Bân, cho rằng hiện nay quan hệ Trung-Hàn đang duy trì xu thế tốt đẹp. Chuyến thăm của ông Vương Nghị trước tiên có lợi cho việc thúc đẩy hợp tác chống dịch giữa hai nước.
Nhìn chung, chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác ba bên Trung-Nhật-Hàn. Năm 2019, mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc có bất đồng về vấn đề lịch sử nhưng trước nỗ lực hòa giải của Trung Quốc, lãnh đạo ba nước vẫn tập trung tại Thành Đô và thông qua các văn kiện như danh sách các dự án thu hoạch sớm Trung-Nhật-Hàn...
Có thể hy vọng rằng chuyến thăm của ông Vương Nghị sẽ giúp hợp tác Đông Á có sự nâng cấp mới trong việc khắc phục những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Theo CAND