Chuyện đảm bảo an ninh, hậu cần và siêu phẩm “Nhà Trắng bay”

Thứ hai, ngày 23/05/2016

(BDO) Những chuyến đi của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - người được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới - là cả một cuộc chuẩn bị khổng lồ về mọi mặt.

Ngoài vấn đề an ninh, chuyện ăn nghỉ của Tổng thống Hoa Kỳ trong mỗi chuyến công du cũng là việc được quan tâm đặc biệt. Tổng số nhân viên phục vụ ở các khâu lên tới hàng ngàn người.

Chuyện an ninh và hậu cần

Khi đi công cán ở nước ngoài, nếu tổng thống muốn dùng bữa thì các trợ tá sẽ không gọi phục vụ phòng của khách sạn. Sau âm mưu ám sát năm 1981 nhằm vào Tổng thống Reagan khi ông rời khách sạn Hilton ở Washington D.C, an ninh quanh chuyện ăn ở của Tổng thống Mỹ được thắt chặt hơn.

Sau vụ này, một nhân viên phục vụ ngành Hải quân sẽ được chọn chuẩn bị thức ăn cho tổng thống trong nhà bếp của các khách sạn. Đôi khi phải làm tiệc lớn thì người này sẽ mặc đồng phục của khách sạn và đích thân phục vụ tổng thống.


Ông Obama thăm châu Phi năm 2013.

George H.W. Bush có thoải mái hơn chút nhưng ông vẫn để các quan chức phụ trách việc chuẩn bị thức ăn và giám sát nhân viên được chỉ định phục vụ nhà lãnh đạo. Còn Tổng thống Obama? "Nhìn chung, các sĩ quan hải quân vẫn phụ trách tất cả các bữa ăn của tổng thống", một cựu trợ tá tiết lộ. Có lẽ không ai nắm rõ phục vụ phòng của tổng thống hơn John Doherrty, đầu bếp trưởng của khách sạn Waldorf Astoria ở New York trong 30 năm.

"Không có người nếm thức ăn chính thức. Ai tiếp xúc với thức ăn của Tổng thống đều phải qua kiểm tra an ninh", ông kể và nhấn mạnh "chỉ một hoặc hai người" được giao việc này. Họ phải hiểu là mình đưa ra những món mà tổng thống thích, để ông cảm thấy như đang ở nhà. Về y tế, chăm sóc sức khỏe cho tổng thống cùng gia đình ông là do đơn vị y tế của Nhà Trắng đảm nhận. Các thành viên của đơn vị này đều là bác sĩ quân y được đào tạo cả về chuyên môn lẫn kỹ năng chiến đấu.

Báo Los Angeles Times cho biết, mỗi khi Tổng thống Mỹ công du thường có 2 đội y tế đi cùng, gồm 6 bác sĩ và y tá. Một đội chăm sóc ông trên chuyên cơ, còn một đội đến nước chủ nhà từ trước để chuẩn bị công việc của mình.

Thông thường, trước nhiều ngày, các mật vụ, đặc vụ cùng đội ngũ nhân viên Nhà Trắng phải tới địa điểm mà Tổng thống Mỹ sắp đến để thăm dò, kết nối với lực lượng an ninh địa phương. Họ phải đảm bảo không phận tại sân bay luôn thông thoáng vào thời điểm chuyên cơ tổng thống hạ cánh, yêu cầu thành lập đội xe hộ tống, xác định vị trí các bệnh viện, đồng thời tìm những nơi ẩn náu an toàn, đề phòng trường hợp tổng thống bị tấn công.

Theo Yahoo News, khi đến khách sạn, không phải lúc nào Tổng thống Mỹ cũng được ở phòng hạng sang. Bước lên thảm đỏ chỉ là chuyện bề ngoài. Thứ đầu tiên mà Tổng thống Mỹ thường nhìn thấy - và cả ngửi thấy - khi chiếc limousine của ông đỗ lại, đó là rác.

"Dù khách sạn đẹp đến mấy, 5 sao hay sang trọng cỡ nào thì chúng tôi cũng thường đi bằng lối vào của nhân viên phục vụ, qua chỗ thùng rác, cạnh khu bếp. Mùi của nó không dễ chịu chút nào" - một trợ tá Nhà Trắng từng tháp tùng tổng thống đi nước ngoài kể lại.

Khi nhận phòng tại khách sạn, không phải lúc nào Tổng thống Mỹ cũng được ở trong những căn phòng tầng cao có quang cảnh đẹp. Một phòng mà khách có thể phóng tầm mắt ra ngoài để ngắm thì cũng có thể nhìn thấu từ bên ngoài, và như vậy nguy cơ an ninh sẽ cao hơn. "Tổng thống chưa từng được ngắm cảnh từ phòng của mình", một viên trợ tá tiết lộ. Vì lý do an ninh, kể cả khi phòng của ông nhìn xuống đường thì các cửa cũng luôn được đóng kín.

Theo một nguồn tin, để đảm bảo một nơi có đủ điều kiện phục vụ tổng thống, đội tiền trạm của Nhà Trắng, tức đội ngũ hậu cần, phải cử một nhóm khoảng 40 người tới đó từ trước nhiều ngày, kể cả ông không ngủ qua đêm. Nhóm tiền trạm sẽ trinh sát các cơ sở của khách sạn và đánh giá tình hình an ninh, đồng thời đảm bảo sẽ có đủ chỗ đỗ cho đoàn xe của tổng thống có thể lên tới 40 chiếc. Và từ trước khi tổng thống có mặt, các khách của khách sạn đó đều phải qua kiểm tra an ninh.

Trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tới Anh năm 2011, an ninh được đặc biệt siết chặt, trong bối cảnh lực lượng Taliban có thể trả thù cho cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden. Theo tờ Telegraph, khi Tổng thống và phu nhân Michelle Obama tới London, họ được hộ tống bởi đội quân hơn 500 người.

Khoảng 250 nhân viên mật vụ, hàng chục cố vấn và các đội chó nghiệp vụ được triển khai để bảo vệ tổng thống. Một số đặc vụ đeo loại kính đen đặc biệt, có gắn camera có thể ghi lại hình ảnh để chuyển thẳng về trụ sở của mật vụ Mỹ tại Washington. Khi tổng thống công du, Nhà Trắng phải di chuyển cùng với ông - từ xe ông đi, nước ông uống, cho tới loại xăng chạy xe, loại thức ăn mà ông dùng. Lực lượng hộ tống còn phải chuẩn bị sẵn một lượng máu nhóm AB dự trữ cho Tổng thống Obama khi cần cấp cứu.

Chuyên chở Tổng thống Mỹ công du là chiếc Không lực 1, rộng khoảng 371m2, ba tầng, và có 85 điện thoại vệ tinh. Chiếc chuyên cơ Boeing 747 này đóng vai trò là văn phòng trên không của tổng thống được cho là có thể chịu được vụ nổ hạt nhân dưới mặt đất.

Mỗi giờ bay, chiếc chuyên cơ trên tốn 180.000 USD chi phí vận hành. Ước tính, chỉ riêng chuyên cơ tổng thống cũng tiêu tốn vài triệu USD cho mỗi lần công du. Ngoài ra còn có một máy bay dự phòng, y hệt chiếc Không lực 1. Máy bay này có nhiệm vụ đáp ở một địa điểm bí mật, trong trường hợp có bất trắc, ít nhất 6 máy bay sẽ bay cùng tổng thống. "Mỗi lần ông ấy di chuyển đều có sự tham gia của hàng ngàn người".

Trực thăng cá nhân VH-3D có tên Marine One, đưa Tổng thống Obama vào trung tâm London, cùng đoàn máy bay hộ tống. Marine One có thể bắn pháo sáng để đánh lạc hướng các tên lửa tầm nhiệt. Còn trên mặt đất, ông Obama mang theo chiếc limosine “The Beast” đời mới, có giá 300.000 USD. Chiếc xe có kính chống đạn, có thể ngay lập tức biến thành phòng phản ứng khi xảy ra sự cố.

Loại xăng dùng cho xe này rất đặc biệt, có thể ngăn xe phát nổ trong trường hợp bị va chạm. Xe vẫn chạy bình thường trong trường hợp lốp bị trúng đạn. Cũng theo Robinson, các mật vụ phải thiết lập 3 vòng an ninh quanh tổng thống: cảnh sát ở vòng ngoài, các nhân viên mật vụ dựng hàng rào giữa, và các mật vụ thuộc đơn vị bảo vệ tổng thống dựng rào chắn trong cùng.

Air Force One - "Nhà Trắng bay" độc nhất vô nhị

Không một chiếc máy bay nào trên thế giới giống như chiếc Không lực 1 (Air Force One) - chuyên cơ chuyên chở các đời Tổng thống Mỹ đi khắp nơi trên thế giới. Nó còn được gọi là "Nhà Trắng di động" của thế giới.

Không lực 1 là tên gọi dành cho bất cứ chiếc máy bay nào, được thiết kế đặc biệt của không quân Mỹ mà tổng thống dùng để di chuyển trên không, đã từ lâu nổi tiếng về độ an toàn và thoải mái mà nó tạo ra. Air Force One là một biểu tượng nổi bật của Tổng thống Mỹ nhờ sức mạnh của nó.

Ý tưởng cho ra đời chiếc máy bay quân sự chuyên chở tổng thống xuất hiện năm 1943 khi các quan chức quân sự hàng không Mỹ - tiền thân của Không lực Hoa Kỳ quan tâm tới sự lệ thuộc vào máy bay dân sự chuyên chở tổng thống. Và chiếc C-87 Liberator Express sau đó được xem như là một động lực để phục vụ cho nhu cầu giao thông của tổng thống. Tuy nhiên, mật vụ Mỹ từ chối cho dùng máy bay này để chở lãnh đạo do lo ngại về sự an toàn.

Và một chiếc Skymaster C-54 sau đó đã được chuyển đổi để tổng thống sử dụng, chiếc máy bay này, được gọi là “Chú bò siêu khỏe”, từng chở Tổng thống Franklin Roosevelt đến Hội nghị Yalta vào tháng 2/1945, và sau đó chuyên cơ này đã được sử dụng thêm hai năm để phục vụ Tổng thống Harry S. Truman.

Năm 1953, sau một sự cố trong chuyến bay chở Tổng thống Dwight D. Eisenhower thì yêu cầu lập ra một đội bay chuyên phục vụ tổng thống đã được tiến hành. Trong những năm 1960, 1970, hai chiếc chuyên chở tổng thống là Boeing 707s, từ những năm 1990 tới nay cũng là hai chiếc máy bay Boeing VC-25 As. Đây là loại máy bay có cấu hình cao, cách tân từ loạt máy bay Boeing 747-200B.


Ông Obama thăm Anh năm 2011.

VC-25 được trang bị hệ thống an ninh cùng với điện thoại và những máy tính cho phép tổng thống làm việc trong trường hợp có vụ tấn công nhắm vào nước Mỹ.

Air Force One đang tìm kiếm việc thay thế hai chiếc VC-25 bằng ba chiếc khác vào năm 2017. Cơ quan Mệnh lệnh di động hàng không Mỹ được giao nhiệm vụ tìm kiếm máy bay thay thế. Nó có thể là dòng Boeing 747-8 hoặc Boeing 787 Dreamliner. Dòng Airbus 380 cũng là đích ngắm tìm kiếm của đơn vị này. Nhưng dòng máy bay xuất xứ từ châu Âu này khó có khả năng được sử dụng.

Khi Tổng thống Bush kết thúc nhiệm kỳ hai của mình tại Nhà Trắng, một chiếc VC-25 đã chở ông về Texas. Chuyến đi của phi hành đoàn có tên Sứ mệnh đặc biệt 28.000. Ngày 27/4/2009, một chiếc VC-25 bay thấp để thực hiện nhiệm vụ chụp hình và huấn luyện đào tạo đã gây ra nỗi sợ hãi cho cư dân New York. Sau sự cố này, Giám đốc quân sự Nhà Trắng mất chức.

Sau sự kiện tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001, Đội ngũ phi hành đoàn nhận thấy, máy bay có các yếu điểm, nó thiếu chức năng cho phép tổng thống thời đó là George W. Bush phát biểu trước toàn dân khi đứng trên máy bay. Và những điểm yếu này đã được khắc phục. Kênh National Geographic mới đây đã có phóng sự hậu trường về "Nhà Trắng bay" - một chương trình về nhóm cầu không vận của tổng thống.

Thường thường, chiếc Không lực 1 nằm tại nhà chứa ở căn cứ không quân Andrews, được gọi là nhà và tất cả những tiện nghi trên máy bay đều dành cho Tổng thống Mỹ cũng như các cố vấn thân tín của ông trên máy bay. Công tác bảo vệ được bắt đầu từ nhà chứa máy bay khổng lồ tại căn cứ không quân Andrews, nơi thường có chiếc Không lực 1 và chiếc máy bay sinh đôi của nó nằm ở đó. Nếu một chiếc có vấn đề, chiếc còn lại sẽ sẵn sàng đưa Tổng thống Mỹ tới bất cứ đâu ông muốn.

Các bộ phận của chiếc Không lực 1 được sửa chữa hoặc thay thế ngay tức khắc nếu có vấn đề. Trong nhà chứa máy bay cũng có chỗ tập bắn để phi hành đoàn rèn luyện kỹ năng dùng súng của mình. Phần trần của máy bay, chạy hết chiều dài của chiếc Không lực 1 và nằm trên khoang hành khách, là nơi giấu các thiết bị làm nhiễu sóng vô tuyến, các ăng ten thường dùng và bộ cảm biến phát hiện bất cứ cuộc tấn công nào có thể diễn ra.

Khi Tổng thống Mỹ trên đường tới hoặc có mặt ở nhà chứa máy bay, các nhân viên bảo vệ thường xuyên kiểm tra toàn khu vực đề phòng các mối đe dọa. Chiếc trực thăng Marine 1 và 2 đưa tổng thống từ Nhà Trắng tới căn cứ Andrews chỉ trong 10 phút.


Chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ.

Một khi Tổng thống đã ở trên máy bay, đường dây điện thoại trắng và nâu được bảo đảm trong phòng họp sẽ cho phép tổng thống làm việc từ bất cứ đâu.

Trong khoang lái, ngoài phi công chính và phụ, còn có một kỹ sư và một chuyên gia hàng không. Trong sự kiện 11/9, chiếc Không lực 1 giữ vai trò như một pháo đài. Một quan chức ngành hàng không Mỹ nói: "Không lực 1 là an toàn nhất ở trên không".

Phi hành đoàn lái máy bay của Tổng thống Mỹ từng hoảng hốt sau khi cất cánh từ Sarasota thì xuất hiện một máy bay thương mại đang trên đường tới Dallas không tuân thủ lệnh hạ cánh tại Jacksonville. Sau khi chiếc máy bay này hạ cánh, "Nhà Trắng bay" là chiếc máy bay duy nhất trên bầu trời Bắc Mỹ".

Nhóm cầu hàng không của Tổng thống (PAG) chịu trách nhiệm về những chiếc Không lực 1, đã từng tìm cách đưa Tổng thống Bush tới Baghgdad trong sứ mệnh tuyệt mật giữa đêm tối để dùng tiệc Tạ ơn tối với binh sĩ vào năm 2003.

Trong chuyến bay bí mật này, chuyên cơ của Tổng thống Mỹ hạ cánh trong bóng tối hoàn toàn. Các binh sĩ chỉ nhận ra máy bay dưới ánh trăng.

Lo sợ máy bay sẽ trở thành mục tiêu tấn công, phi hành đoàn luôn cảnh giác cao độ, ngay cả khi ở trên mặt đất. Một khi tổng thống quay lại máy bay, phi công sẽ mau chóng đưa máy bay lên tới độ cao 10.000 feet - ngoài tầm tấn công - càng nhanh càng tốt. 

Theo CAND