Chuyện cô giáo vùng biển nhận thư khen của Chủ tịch nước
(BDO)
Một giờ dạy học của cô Nguyễn Thị Thông. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/Vietnam+)
Những phận trẻ mồ côi cha do đi biển đã mãi mãi không trở về, những gia đình quá khó khăn không có tiền cho con đi học, hay những đứa trẻ tật nguyền thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của gia đình đã được cô Nguyễn Thị Thông dạy cho con chữ, lo cho cái ăn, cái mặc, chăm sóc khi ốm đau...
Cứ như vậy trong suốt 12 năm qua, hết khóa học này đến khóa học khác, cô Thông đã tận tâm giúp đỡ hàng trăm học trò nghèo vùng biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa mà không thu bất kỳ đồng học phí nào. Cô Thông cũng đã trở thành người bà, người mẹ, người thầy của lũ trẻ nghèo lam lũ ở cái xã nghèo bãi ngang hứng chịu nhiều bão lụt nhất tỉnh Thanh Hóa.
Cô tiên của những học trò xóm biển nghèo
Cô Nguyễn Thị Thông nguyên là Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Lộc 2 và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1997. Năm 2001, cô Thông nghỉ hưu theo chế độ, nhưng vẫn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Chứng kiến cảnh có làng góa phụ với những đứa trẻ mồ côi do cha đi biển nhưng mãi mãi không trở về, những đứa trẻ da cháy nắng, mái tóc vàng hoe, xơ xác ra biển nhặt tôm cá sau mẻ lưới từ tờ mờ sáng cho kịp phiên chợ… nên không thể đến trường, năm 2002.
Cô Thông đã xin chính quyền xã được mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà và không thu học phí.
Nhớ như in những ngày đầu mở lớp với vô vàn những khó khăn, cô chia sẻ: “ lớp học đầu tiên chỉ có 16 em, trong đó có tới 8 em mồ côi. Bàn ghế dành cho học sinh ngồi cũng chỉ là những cánh cửa nhà, cửa bếp ọp ẹp, cũ kỹ được kê trên những viên gạch vỡ. Chiếc bảng viết ngày đó là tấm cót ép đã rách mép...” Đó là tất cả những gì mà cô giáo Nguyễn Thị Thông làm hành trang "gieo" con chữ cho học sinh nghèo giữa làng biển.
Không chỉ dùng đồng lương hưu ít ỏi của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em, cô còn đến các trường trên địa bàn huyện, vận động các nhà hảo tâm để xin sách giáo khoa, vở, bút, đồ dùng học tập… mang về cho các em học sinh nghèo. Việc dạy học cho các em cũng gặp rất nhiều khó khăn do học sinh trong lớp chênh lệch về tuổi khá lớn. Để các em đều nắm được kiến thức, cô đã tận tâm chỉ dạy từng ly, từng tý, coi các em như con em của mình. Với những học sinh nào có học lực yếu hơn sẽ được cô kèm học thêm vào buổi tối, những em có học lực khá hơn kèm học sinh có học lực yếu hơn.
Nhiều học sinh của cô còn thiếu ăn thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của gia đình, có trường hợp đến lớp không được ăn sáng, ăn trưa, các em đói lả tụt huyết áp đến mức bị ngất lịm trong lớp học. Chính vì lý do đó mà trong lớp học của cô luôn có lọ đường và gừng để phòng khi các em bị đói kiệt lả.
Với những gia đình khó khăn này, cô cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân xã Ngư Lộc hỗ trợ 10 kg gạo trong 3 tháng để các em có cái ăn để đi học. Cá biệt có trường hợp học sinh bị ốm không đến lớp được, cô đã đi mua thuốc mang đến tận nhà cho các em, động viên để các em sớm khỏi bệnh tiếp tục đến lớp. Nhiều trường hợp khác thiếu quần, áo mặc, cô đã đến các trường vận động xin quần áo và tự bỏ thêm tiền của mình ra để mua quần áo cho các em...
Những câu chuyện cổ tích ở lớp học
12 năm dạy học cho các học trò nghèo đã để lại trong cô rất nhiều kỷ niệm với các thế hệ học trò của mình. Cô Thông tâm sự: suốt cuộc đời tôi có lẽ sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của 3 anh em học trò nghèo là Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Thị Thơm khóa học 2002-2007. Các em mồ côi bố do tai nạn tàu thuyền, bị mất trong đợt bão lụt kinh hoàng năm 1996. Bố mất, mẹ phải ra Hà Nội làm thêm, 3 anh em ở với bà.
Do hoàn cảnh quá khó khăn, 2 anh em Ngọ và Nhân chỉ có 1 chiếc quần để đi học. Khi anh đi học thì em nghỉ ở nhà và ngược lại. Thấy lạ, cô Thông hỏi thì Nhân nói là anh Ngọ bị ốm không đi học được. Biết chuyện cô đã đến tận nhà học sinh để hỏi thăm, khi đến nơi thấy Ngọ vội chui tọt vào manh chiếu cũ. Cô hỏi thì Ngọ mới thú thật không có quần để đi học, do hai anh em phải chung một cái quần. Chứng kiến hoàn cảnh của 2 học sinh, cô Thông đã xúc động và hứa sẽ xin quần áo cho anh em Ngọ để 2 anh em được đi học đầy đủ.
Ngay sáng hôm sau, cô đã đến trường tiểu học Ngư Lộc 2 xin các cô giáo trong trường quần, áo và các gia đình học sinh cùng độ tuổi với Ngọ. Khi đã có được quần, áo cô mang về sửa lại cho vừa với 2 anh, em. Có quần áo, cả 3 anh em Ngọ vui lắm, các em đi học cũng rất chăm chỉ. Không những thế Ngọ còn được làm lớp trưởng của lớp khóa học 2002-2007. Đến nay, cả 3 anh em Ngọ, Nhân và Thơm đã trưởng thành và là những ngư dân chăm chỉ của xã.
Không chỉ với 3 anh em nhà Ngọ, Nhân và Thơm, trong các khóa học cũng có rất nhiều mảnh đời bất hạnh nhưng được sự che chở, chăm sóc của cô, các em đã vượt qua khó khăn để quyết tâm đi tìm con chữ. Điển hình là trường hợp em Nguyễn Thị Thùy 11 tuổi bị liệt cả hai chân, nhà lại rất nghèo. Cô Thông đã đến tận nhà vận động bố mẹ cho Thùy đi học. Để có phương tiện đi lại, cô đã xin cho Thùy một chiếc xe lăn. Không phụ lòng cô, Thùy học rất chăm chỉ và là học sinh giỏi của lớp.
Trước tấm lòng của cô giáo nghèo, Ủy ban Nhân dân xã Ngư Lộc đã dành riêng một phòng tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để cô Thông mở lớp học cho học sinh nghèo. Nhiều tổ chức, cá nhân đã gửi tặng đồ dùng học tập cho lớp học, nhờ vậy các em đã có đầy đủ sách vở, giấy bút để học. Kết thúc mỗi khóa học, cô cũng dành một phần lương hưu của mình mua tặng cho mỗi em 1 bộ quần áo mới để các em có điều kiện tiếp tục được học lên cao hơn.
Với những tâm huyết trong sự nghiệp trồng người, ngày 30-11-2014, cô Nguyễn Thị Thông vinh dự được chọn là 1 trong 3 giáo viên tiêu biểu của cả nước được Chủ tịch nước gửi thư khen vì những thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục./.
Theo TTXVN