Chuyện chưa kể về bí mật cuộc đời Audrey Hepburn
(BDO) Audrey Hepburn là một trong những ngôi sao điện ảnh mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20, tuy nhiên những hoạt động mật của bà với phong trào kháng chiến Hà Lan và Đức Quốc xã (ĐQX) trong thời Thế chiến II thì hầu hết đã bị lãng quên.
Tác giả bài viết là David Crow, biên tập viên điện ảnh tại Den of Geek. Ông David cũng là thành viên của Giải lựa chọn của nhà phê bình điện ảnh và Hiệp hội phê bình phim trực tuyến (OFCS). Bài viết này được công bố vào ngày 15 tháng 4 năm 2021.
Quá khứ bị giấu kín của Audrey Hepburn
Trong hàng ngàn câu chuyện về lòng dũng cảm của thời Thế chiến II, đáng chú ý là sự kiện Chiến dịch Market Garden. Đó là một thất bại kỹ thuật của phe Đồng Minh trong việc đánh bại ĐQX vào năm 1944, cuộc xâm lược Hà Lan đã khiến lực lượng lính dù Anh bị mắc kẹt quanh một cây cầu ở Arnhem, quá xa xe tăng của họ để bảo vệ phòng tuyến.
Audrey Hepburn gặp Fritzi và Otto Frank (cha của Anne Frank) vào năm 1957.
Vào mùa Thu năm 1944, gia đình của Audrey Hepburn đã giấu một người lính dù Anh dưới căn hầm trong nhà mình, điều này quả là hoàn toàn tương phản với hình ảnh thường thấy của Audrey trên màn ảnh và cả ngoài đời thực. Đến mùa Đông năm 1945, gia đình Audrey vẫn sống ở đó, có cảm giác như “bò ra khỏi giường” khi bom rơi trên đầu ngôi làng Velp của họ. Những chuyện này đã bị lược bỏ khỏi lịch sử, thậm chí những cuốn sách viết về Audrey Hepburn và Hollywood giữa thế kỷ 20 cũng không hề đề cập. Mãi đến khi nhà viết tiểu sử Robert Matzen công bố cuốn sách “Những cô gái Hà Lan: Audrey Hepburn và Thế chiến II” thì độc giả khắp nơi mới biết về những hoạt động cách mạng và tình báo của nữ diễn viên này.
Suốt hàng thập kỷ, các nhà viết tiểu sử viết về Audrey Hepburn thường sử dụng những thông tin ít ỏi mà nữ diễn viên kể với báo chí về xuất thân thời thơ ấu của mình: về nỗi kinh sợ vào cái ngày ĐQX đến Hà Lan, phá hủy cây cầu mà bà vừa đi qua, và niềm hân hoan vào cái ngày tháng 4 khi quân Canada đến giải phóng làng Velp (cũng là lần đầu tiên Audrey hút thuốc lá), phần lớn những sự kiện thời Thế chiến II đã bị bỏ quên. Điều này bao gồm những đóng góp của Audrey cho phong trào Hà Lan trong công tác giao thư cho các phi công Anh bị bắn rơi, cũng như bà từng học múa ba lê trong những năm đầu quân Đức chiếm đóng, từng khiêu vũ với bọn phát xít. Có lẽ quan trọng hơn là quan điểm chính trị của cha mẹ Audrey trước khi ĐQX xâm lược Hà Lan.
Nhà viết tiểu sử Robert Matzen giải thích: “Các bậc song thân của Audrey là những người thân Đức, những người ủng hộ thân ĐQX trong thời gian Hà Lan bị xâm lược. Bản thân Audrey bất đồng với cha mẹ về quan điểm này. Đó là bí mật nhất mà bà ấy giấu kín, và không bao giờ hé môi với cánh báo chí về việc này vì nó sẽ làm hoen ố danh tiếng và có thể giết chết sự nghiệp diễn xuất của bà”.
Sự khiêm tốn được nuôi dưỡng trong con người của Audrey đã khiến bà không bao giờ khoe khoang hay phàn nàn về bất kỳ điều gì, cũng như những câu chuyện về các buổi khiêu vũ để quyên tiền của bà trong những cuộc gặp mặt riêng tư nhằm giúp che giấu và nuôi sống những người hàng xóm Do Thái khi bọn lính Đức đi trên đầu. Cha mẹ của Audrey thực sự là những cảm tình viên phát xít, nhất là người mẹ Ella van Heemstra, bà đã trực tiếp gặp mặt Đức Quốc trưởng tại “sào huyệt” ở Munich năm 1935.
Năm 1935, Audrey (hay tên còn nhỏ là Adriaantje) lên 6 tuổi. Một năm sau đó đứa trẻ sinh ra ở Brussels được gửi đến một trường nội trú tại hạt Kent (Anh), rời xa vòng tay cha mẹ. Người cha đã đi chuyến bay cuối cùng để đem theo con gái rời khỏi nước Anh trước khi chiến tranh bắt đầu. Đó là tháng 12 năm 1939, khi đó Audrey lên 10 và không biết nói tiếng Hà Lan. Sau khi đặt chân tới Amsterdam, người mẹ lập tức hạ lệnh “Hãy làm người Hà Lan!”.
Vỡ mộng vì cái chết của OTTO
Những năm đó thứ đã đưa Audrey thoát khỏi vỏ bọc gia đình là các bài học khiêu vũ, và thứ đã đưa mẹ cô quay lại thực tại trong gia đình kháng phát xít, bao gồm người cha là Nam tước Aarnoud van Heemstra, và người anh rể Otto Ernst Gelder van Limburg Stirum. Trên thực tế, định mệnh của Otto đã trở thành bước ngoặt cho cả gia đình, chưa đề cập đến đất nước Hà Lan.
Bởi vì khi Otto (cùng với 4 người Hà Lan khác) bị lùa vào rừng và bị xử tử trong một ngôi mộ nông, thì người Đức đã tự tạo ra điều mà họ không bao giờ muốn: quần chúng kháng chiến. Đó là ngày 15 tháng 8 năm 1942 khi Otto đứng trước một đội xử bắn, lúc đó Audrey mới 13 tuổi. Nhà viết tiểu sử Robert Matzen khẳng định: “Otto van Limburg Stirum là một nhân vật bí ẩn mà tôi phải cất công tìm hiểu, vì người này không được lịch sử đả động, không có dòng nào trong lịch sử của Audrey”.
Ông Robert Matzen nhấn mạnh: “Việc Audrey không nhắc đến Otto cho thấy người này quan trọng như thế nào với bà ấy”. Khi lực lượng kháng chiến non trẻ thời đó đã làm gì đó không tốt với người Đức, thế là Otto và những người có cảm tình kháng phát xít sẽ bị xử tử. Ông Matzen phân tích: “Cái chết của Otto hẳn là một nỗi thống khổ đối với gia đình Van Heemstra nói chung và Audrey nói riêng, nó đã tác động rất sâu sắc đến bà ấy, tạo ra cho bà ấy một sự bất an cả đời”.
Ông Matzen kể tiếp: “Năm 1942, Audrey đã hoàn toàn vỡ mộng. Nhưng vào các kỳ nghỉ lễ của năm 1941, và vẫn tổ chức các sự kiện ủng hộ Đức ở Arnhem. Nhưng khi Otto bị xử bắn, bà Ella đã đưa Audrey đến nhà người vợ của Otto là Meisje (em gái của bà Ella) ở Velp… Meisje và Otto được cho là sẽ dọn tới sống với người ông của họ. Otto chưa kịp thực hiện thì bị bắt và tống giam. Ngôi nhà vì thế mà luôn trống trải”.
Hoạt động kháng chiến
Tội ác chiến tranh biến bà Meisje sớm thành góa phụ và buộc cả nhà Van Heemstras hành động tích cực hơn trong việc chống giặc ngoại xâm. Audrey đã thực hiện những buổi khiêu vũ cá nhân để quyên tiền cho phong trào kháng chiến Hà Lan cùng các hoạt động phá hoại ĐQX. Chính Audrey đã tái thiết mạng lưới kháng chiến ở thành phố Velp và khu vực Arnhem rộng lớn hơn.
Nói về thời gian ở Velp, ông Robert Matzen kể: “Tôi ngồi cùng với một số người cùng thời với Audrey, họ là những cô gái trẻ trong thời chiến. Một cô gái trong số đó là con của thủ lĩnh phe kháng chiến (bác sĩ Hendrik Visser‘t Hooft). Bác sĩ Visser‘t Hooft đã tập hợp toàn bộ các bác sĩ gia đình trong vùng vào những nỗ lực kháng chiến của mình. Ông Visser‘t Hooft biết rõ các chuyên gia y tế là một mặt hàng quý giá trong thời chiến ngay cả khi ĐQX chiếm đóng, cũng như ông biết rằng người Đức không quan tâm tới trẻ em.
Ông Matzen kể: “Người Hà Lan đủ khôn ngoan để cho lũ trẻ mang tin tức đi khắp nơi từ nhà này sang nhà kia. Họ trao cho chúng thuốc men. Audrey được giao mang tin tức và thức ăn cho các phi công bị bắn rơi vì bà từng có thời gian sống ở Anh nên nói tiếng Anh trôi chảy”. Tại thời điểm tên lửa V2 gặp trục trặc trên không phận Hà Lan và rơi xuống đầu thường dân, hoặc khi máy bay của quân Đồng Minh bay qua đầu với những ngón tay bóp cò ngứa ngáy, gia đình Van Heemstra đang ở trong một căn hầm nơi các lính dù Quỷ đỏ ẩn trú.
Dần dần khi hết thức ăn, những người dưới hầm ăn củ hoa uất kim hương. Khi củ hoa cũng hết thì phải ăn cỏ dại. Giống như nhiều trẻ em Hà Lan trong thời kỳ đó, Audrey bắt đầu thiếu máu và phù nề. Ông Matzen lập luận rằng nếu không được ăn uống đúng cách, thì Audrey sẽ chết vì chứng ung thư ruột thừa. Sau rồi những đứa trẻ học cách sống lạc quan dù mưa bom bão đạn trên đầu.
Ông Matzen kể: “Trận chiến đã làm tiêu điều khu vực trung tâm Arnhem, phá hủy phòng khiêu vũ nơi Audrey học nhảy, phá nát nhà cửa của bà. Nhưng chớ hề gì, họ là những hiệp sĩ trong bộ giáp sáng bóng đến để giải phóng Hà Lan…. và đó là người Canada đến giải phóng Velp. Họ đã mang thức ăn, đồ cứu trợ đến cứu sống nhiều sinh mạng”. Khi được giải phóng, Audrey đã ăn ngấu nghiến một thanh sô cô la Canada đến ngán ngấy.
Cũng cần biết rằng đối với Audrey Hepburn, việc trở thành siêu sao Hollywood đã đến hết sức tình cờ. Ông Luca Dotti (người con trai thứ 2 của Audrey) kể với ông Matzen rằng mẹ ông mỗi khi dạy con đều lấy những thứ bà đã trải qua trong chiến tranh, chứ không phải là sự nghiệp hào nhoáng, ngắn ngủi của bà ở Hollywood. Một số người quả quyết rằng (cả ông Matzen) vai diễn đưa Audrey đến Hollywood và biến bà thành siêu sao quốc tế đã được hình thành trực tiếp từ trải nghiệm thời chiến của bà.
Giải mật điện ảnh và cuộc đời cuối
Với bộ phim “Roman Holiday” công chiếu năm 1953, bộ phim Mỹ đầu tiên đã khiến Audrey Hepburn chiến thắng giải Oscar, nhà viết tiểu sử Robert Matzen giải thích: “Audrey xuất thân từ tầng lớp quý tộc, nên bà đã mang điều đó vào vai công chúa. Nhưng thời đó bà cũng là cô gái trẻ và theo một số cách là rất non nớt và chịu sự che chở, và việc bà ấy tập trung vào khiêu vũ mà đánh đổi sự phát triển thực sự của mình. Audrey thật sự rất đam mê khiêu vũ và sau đó là bị mắc kẹt trong căn hầm…
Thực tế này rất giống cảnh công chúa Ann trong phim khi nàng trốn khỏi cung điện và bắt đầu khám phá thành Rome. Ann là một đứa trẻ trong rừng giống như Audrey. Phẩm chất ngây thơ của Audrey đã thổi hồn cho vai công chúa Ann khiến màn trình diễn trở nên chân thực hơn, và cũng do Audrey chưa từng được đào tạo diễn xuất chính thức. Thực sự bà ấy đã hành động theo bản năng và mang kinh nghiệm sống của mình vào vai diễn”.
Trong sự nghiệp diễn xuất ngắn ngủi của mình, Audrey Hepburn đã hóa thân thành nhiều vai phụ nữ khác nhau, từ cô gái xinh đẹp Holly Golightly trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s cho đến cô nàng loạn trí Eliza Doolittle trong phim My Fair Lady. Nhưng bà chưa từng làm phim truyền hình về Thế chiến II.
Đáng chú ý là bà còn miễn cưỡng từ chối ông Otto Frank (cha ruột của Anne Frank) người từng muốn gặp mặt Audrey hồi thập niên 1950 để đóng vai con gái của ông trên màn ảnh. Audrey liên quan quá nhiều đến Anne Frank (người đã bị sát hại trong trại tập trung ĐQX vì di sản Do Thái của mình) để có thể nhập vai Anne xuất sắc. Đó là câu chuyện mà Audrey đã bị ảnh hưởng rất sâu sắc từ trước khi đóng Roman Holiday. Ông Matzen giải thích: “Sau Thế chiến II, Audrey và mẹ chuyển tới Amsterdam để Audrey có thể tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp khiêu vũ. Và rất tình cờ, họ được chuyển tới một căn hộ nơi có nhà biên tập phim đang làm việc với tập bản thảo “Nhật ký Anne Frank”.
Ông Matzen tiếp tục kể: “Nhà biên tập này lại biết về trải nghiệm chiến tranh của Audrey, tình yêu khiêu vũ của bà, và nói thẳng “Cô biết chăng? Cuốn nhật ký này sẽ thật sự khiến cô phải quan tâm đấy”. Vì thế Audrey đã đọc bản thảo trước khi nó được xuất bản. Anne Frank sinh ra sau Audrey chỉ 6 tuần. Anne Frank đến từ Frankfurt (Đức), còn Audrey đến từ Brussels (Bỉ). Họ đều là những cô gái Hà Lan, và trong thời chiến họ sống cách nhau 60 dặm ngay trên đất Hà Lan. Họ cùng chia sẻ cuộc sống dưới ách chiếm đóng và phập phồng lo bọn Đức hàng ngày.
Anne Frank ngừng viết nhật ký vào tháng 8 năm 1944… còn Audrey thì sống sót nhưng bà không dùng cụm từ “người sống sót tội lỗi”. Bà Audrey lịch sự từ chối lời đề nghị của ông Otto Frank, bà chưa từng nghĩ cách kiếm tiền từ câu chuyện đó. Phải nhiều năm sau đó khi đã là đại sứ thiện chí của UNICEF, bà Audrey mới tiết lộ chút ít về chuyện này.
Nhiệm vụ mới mà Audrey đảm nhiệm là đọc cuốn nhật ký Anne Frank tại các bữa dạ tiệc, cũng như đến những quốc gia bị chiến tranh tàn phá nhằm gia tăng nhận thức về trẻ em đói khát: một trải nghiệm ớn lạnh mà chính Audrey đã đối mặt trong những năm chiến tranh. Câu chuyện về Audrey Hepburn trong vai trò nhân đạo của UNICEF lúc cuối đời cũng là đề tài cho cuốn sách “Warrior” (Chiến binh) của ông Robert Matzen. Chính người con trai Luca Dotti đã thuyết phục ông Matzen viết về mẹ mình.
Những hình ảnh của Audrey Hepburn trong thời làm cho UNICEF là cảnh bà đang ôm trên tay những đứa trẻ chết đói. Tuy nhiên có những thứ bị ẩn đi làm thế nào bà đến được những nơi đó, hoặc các vùng chiến sự mà bà đã trốn tránh. Khi có ai đó hỏi tại lễ trao giải Oscar rằng làm thế nào Audrey có thể đi từ thế giới này sang thế giới khác, bà đáp: “Tôi không coi đó là hai thế giới khác biệt. Đó là tất cả cuộc đời tôi”.
Theo CAND