Chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp
(BDO) Năm 2022, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương (NN&PTNT) vẫn đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP).
Gian hàng trưng bày nông sản chất lượng cao tại hội chợ kết nối cung cầu hàng hóa năm 2022 tổ chức tại Bình Dương
Hiệu quả trên mọi lĩnh vực
Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm ATTP trên 6.900ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái. Trong đó có khoảng 580ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng, đến nay có 172ha đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 148 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,1 triệu con. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 255 trang trại và gần 323ha diện tích nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nông sản nội địa và xuất khẩu. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát sản phẩm nông lâm, thủy sản, nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP lĩnh vực nông nghiệp; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Thông tư 38/2018/TT-BNN&PTNT, các chi cục thuộc Sở NN&PTNT đã tổ chức thẩm định xếp loại 87 cơ sở, trong đó cơ sở xếp loại A là 48 cơ sở, loại B là 37 cơ sở và 8 cơ sở xếp loại C. Qua đó, đã cấp 87 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 87 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản và thủy sản; tiến hành kiểm tra định kỳ 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 8 cơ sở duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định.
Ngoài ra, ngành NN&PTNT đã phối hợp với các ngành có liên quan thành lập 22 đoàn thanh tra, thực hiện kiểm tra đối với 59 tổ chức, 1.381 cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT. Qua đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 459 vụ; xử phạt 1 tổ chức, 99 cá nhân với tổng số tiền phạt là 304 triệu đồng; chuyển hồ sơ đề nghị UBND cấp huyện xử phạt 359 cá nhân với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng; tiêu hủy 360kg thịt các loại, tổng số tiền ước tính 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bình Dương tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh, phát hiện 443 trường hợp vi phạm, tổng số tiền đề nghị xử phạt 1.883 triệu đồng và tiêu hủy 1.607kg thịt các loại không bảo đảm vệ sinh thú y… Có thể nói, trong thời gian qua, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết chi cục luôn tăng cường công tác tuyên truyền về ATTP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP.
Ngành đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, ngành tập trung vào các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả. Bên cạnh đó, tăng cường lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận; đồng thời, công khai danh sách và địa chỉ bán sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP; nghiệp vụ lấy mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong thực hiện công tác quản lý nhà nước.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về chất lượng và ATTP trong nông nghiệp, việc củng cố lại quy trình sản xuất là rất cần thiết. Trong thời gian tới, ngành đề ra các giải pháp trọng tâm để thực hiện: Tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023 trên địa bàn tỉnh; triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn giữa các hội, ngành liên quan. Cùng với đó, ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn của địa phương. Đồng thời, tổ chức tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Bảo đảm ATTP nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030”, tổ chức thực hiện các nội dung theo phân kỳ; đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn; củng cố hệ thống quản lý chất lượng ATTP các cấp, điều chỉnh phân công phân cấp quản lý ATTP phù hợp tình hình thực tiễn.
THOẠI PHƯƠNG