Chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng
(BDO) Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa IX diễn ra vào trung tuần tháng 7-2018, một trong những vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm là hoạt động của các bến thủy nội địa (BTNĐ) trên lòng hồ Dầu Tiếng.
Các vấn đề được đặt ra là các BTNĐ xuất hiện ở đây quá nhiều và có được cấp phép hay không?, nếu có việc cấp phép thì có tính đến quy hoạch BTNĐ ở đây không vì những hoạt động của các BTNĐ này ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Đại biểu Nguyễn Phương Linh của tổ đại biểu huyện Dầu Tiếng chất vấn: Các BTNĐ ven lòng hồ Dầu Tiếng được cấp phép hoạt động trên cơ sở pháp lý nào? Với số lượng bao nhiêu là phù hợp? Khi cấp phép sở (Sở GTVT - P.V) có xem xét khả năng chịu tải của các tuyến đường không?
Những chất vấn của các đại biểu HĐND mang tính sát sườn, gắn với thực tế BTNĐ và khai thác, vận chuyển cát ở lòng hồ Dầu Tiếng ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực. Và trong một thời gian dài, người dân đã ngán ngẩm với tình trạng xe ben ra vào liên tục cày xới các tuyến đường, những vườn cao su xanh mướt dần bị hạ và được thay thế bằng những bãi tập kết cát với những chiếc xe múc, xe ủi hoạt động ồn ào suốt ngày đêm. Sự việc đó đã được đưa vào nghị trường.
Ngay sau đó các cơ quan chức năng tỉnh đã có những động thái quyết liệt xử lý tình trạng này. Qua khảo sát của các cơ quan chức năng thì có nhiều BTNĐ làm nhiệm vụ trung chuyển cát cho các doanh nghiệp được tỉnh Tây Ninh cấp phép khai thác. Điều đó có nghĩa là họ “mượn đường” để vận chuyển cát; nhiều BTNĐ bị phát hiện có các sai phạm về mục đích sử dụng đất lập BTNĐ…
Để xử lý quyết liệt tình trạng khai thác cát trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng, Công an tỉnh Bình Dương đã cùng Công an tỉnh Tây Ninh và Công an tỉnh Bình Phước ký kết công tác bảo vệ và phối hợp bảo đảm an ninh trật tự hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Dự hội nghị có đại diện ban giám đốc, lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ công an 3 tỉnh, công an các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu (Tây Ninh), Hớn Quản (Bình Phước), Dầu Tiếng (Bình Dương), đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý, khai thác sử dụng hồ Dầu Tiếng.
Qua việc ký kết này, công an 4 huyện Dương Minh Châu, Tân Châu (Tây Ninh), Hớn Quản (Bình Phước) và Dầu Tiếng (Bình Dương) đã thống nhất kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự địa bàn hồ Dầu Tiếng đến năm 2020 với 8 nội dung trên 2 lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó chú trọng công tác trao đổi thông tin, nắm tình hình, phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy, đường bộ; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm ở địa bàn giáp ranh và phối hợp trong công tác cứu nạn, cứu hộ.
Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, cho rằng song song với việc ký kết với công an các địa phương phòng chống tội phạm và các hành vi khai thác cát trái phép trên khu vực hồ Dầu Tiếng, thời gian qua Công an tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát toàn bộ tình hình quản lý, khai thác cát trái phép trên khu vực hồ Dầu Tiếng. Qua đó kiến nghị Bộ Công an và UBND tỉnh nhiều giải pháp quan trọng trong công tác này. Tuy nhiên, thời gian qua chưa có vi phạm nào trong việc khai thác cát trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng đến mức xử lý hình sự.
HOÀNG HÙNG