Chuyện bảo vệ các ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Thứ bảy, ngày 02/07/2016

(BDO) Chương trình bảo vệ tổng thống Mỹ bắt đầu được triển khai vào năm 1963 sau vụ ám sát John Fitzgerald Kennedy (JFK) tại thành phố Dallas bang Texas miền nam nước này. Sau đó, chương trình bảo vệ các ứng cử viên tổng thống cũng được thiết kế sau khi thượng nghị sĩ Robert Kennedy (em trai của JFK) bị ám sát tại thành phố Los Angeles bang California trong chiến dịch tranh cử năm 1968.

Chính quyền Mỹ cho biết chương trình bảo vệ yếu nhân nước này được thiết kế nhằm bảo vệ nền dân chủ của đất nước không bị phá vỡ.

Hai mật vụ ngăn không cho một người phụ nữ chạm vào bà Clinton tại bang Nevada ngày 13-2-2016.

Hôm 19-6 vừa qua, một công dân Anh tên là Michael Steven Sandford bị bắt giữ và buộc tội cướp súng từ một sĩ quan cảnh sát trong cuộc mít tinh diễn ra tại Vegas để ám sát ứng cử viên tổng thống Donald Trump đại diện đảng Cộng hòa. Một thẩm phán liên bang nhận định Sandford là đối tượng "nguy hiểm cho cộng đồng và có nguy cơ vắng mặt tại phiên tòa" nên quyết định giam giữ mà không cho đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.

Sau vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh (FCO) tuyên bố: "Chúng tôi đang cung cấp sự hỗ trợ sau vụ bắt giữ một công Anh ở Las Vegas".

Theo điều tra ban đầu, Sandford học bắn súng tại bãi tập bắn gọi là Battlefield Vegas hôm 17-6 và được cho là lái xe từ California đến Las Vegas với âm mưu sát hại Donald Trump. Tại bãi tập bắn, Sandford sử dụng khẩu súng Glock 9mm gồm 20 viên đạn và đây là lần đầu tiên đối tượng tập bắn. Sandford sống ở Mỹ gần 1 năm rưỡi và có ý định giết chết Donald Trump từ lâu.

Dự kiến phiên điều trần vụ án Sandford sẽ diễn ra vào ngày 5-7 sắp tới. Sau vụ ám sát Donald Trump không thành công, chính quyền Mỹ quyết định xem xét lại và đổi mới chương trình bảo vệ các ứng cử viên tổng thống nước này.

Từ sau vụ ám sát Thượng nghị sĩ Robert F.Kennedy vào tháng 11-1968, Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng thông qua luật mở rộng vai trò của mật vụ bảo vệ "các ứng viên tổng thống hàng đầu" cho đến khi kết thúc kỳ bầu cử. Theo tờ The Washington Post, tiêu chí để trở thành ứng viên hàng đầu là phải quyên góp được ít nhất 2 triệu USD cho quỹ tranh cử và đạt được ít nhất 5% tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò toàn quốc.

Về phía đảng Cộng hòa, theo Fox News, Cơ quan mật vụ đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ đề xuất khởi động chiến dịch bảo vệ yếu nhân cho tỉ phú Donald Trump từ tháng 10/2015. Các nguồn tin cho biết, tổng cộng sẽ có 260 đặc vụ được điều động cho toàn bộ chiến dịch và ít nhất 24 nhân viên trực tiếp theo sát ông Carson và Trump.

Phía đảng Dân chủ, ngoài ông Bernie Snaders được bảo vệ theo chương trình trên thì bà Hillary Clinton lại là một trường hợp đặc biệt khác. Bà hiện đang được mật vụ bảo vệ nhưng không phải với tư cách ứng viên tổng thống mà là theo luật bảo vệ các cựu tổng thống và gia đình.

Theo The Washington Post, trước đây các cựu tổng thống và gia đình được bảo vệ trong vòng 10 năm kể từ khi rời nhiệm sở trừ khi cựu đệ nhất phu nhân/phu quân ly dị và tái hôn. Tuy nhiên, đến năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã ký thành luật bãi bỏ giới hạn 10 năm và cung cấp sự bảo vệ trọn đời đối với mọi cựu tổng thống, cựu đệ nhất phu nhân hay phu quân và những người con dưới 16 tuổi.

Năm 1972, cựu Thống đốc bang miền nam Alabama George Wallace - người chủ trương ủng hộ phân biệt chủng tộc - bị bắn tại Maryland trong khi đang vận động để trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ. Hung thủ tên là Arthur Bremer, từng có kế hoạch ám sát Tổng thống Richard Nixon song không thực hiện được âm mưu do hệ thống an ninh bảo vệ quá chặt chẽ. May mắn thoát chết, song ứng cử viên Wallace bị liệt nửa người từ thắt lưng trở xuống và một sĩ quan mật vụ cũng bị thương trong vụ ám sát.

Năm 1979, Edwad Kennedy - em trai của tổng thống John Kennedy và thượng nghị sĩ Robert Kennedy - cũng trở thành mục tiêu ám sát từ một phụ nữ có vấn đề về tâm thần tên là Suzanne Osgood - người bị lực lượng an ninh bắt giữ bên ngoài tòa nhà văn phòng Robert Kennedy cùng với con dao đang cầm trong tay. Các âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ tiếp tục được ghi nhận sau khi Richard Nixon nhậm chức năm 1969.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ông Obama là người đầu tiên có cận vệ chính thức. 9 tháng trước khi các cuộc bầu cử sơ bộ bắt đầu, vấn đề an ninh cho ông đã được lưu ý khi khả năng thành công của ông rất cao vì ai cũng thấy ông có tài hùng biện và thu hút đám đông. Kể từ đầu tháng 5-2007, Cơ quan mật vụ trực thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ đã được lệnh bảo vệ sinh mạng của ông Obama. Đích thân thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện là Thượng nghị sĩ Harry Reid đặt vấn đề với Bộ trưởng An ninh nội địa Michael Chertoff dù chưa phát hiện ra một âm mưu nào nhắm vào ông Obama.

Người phối ngẫu (vợ hoặc chồng) của ứng viên được bảo vệ 3 tháng trước cuộc bầu cử. Từ "ứng viên chính yếu" được hiểu là các ứng viên mà Bộ trưởng An ninh nội địa đã tham khảo ý kiến của Chủ tịch Hạ viện, thủ lĩnh phe thiểu số ở Hạ viện, các lãnh đạo phe đa số và thiểu số ở Thượng viện và một thành viên được Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện chọn ra.

Thật ra, ngay từ đầu năm 2008, trong một công văn gửi cho một ủy ban đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội Mỹ về vấn đề an ninh cho các ứng viên tổng thống thì vào thời điểm đó, ngoài 2 nhân vật Clinton và Obama, Bộ trưởng Chertoff đã đưa ra danh sách 7 ứng viên khác hội đủ tiêu chuẩn cần có nhân viên bảo vệ (các tiêu chuẩn này không được công bố) là: John Edwards, Rudolph Giuliani, Mike Huckabee, John McCain, Ron Paul, Mitt Romney và Fred Thompson. Cũng theo nội dung công văn này thì từ 1-5-2007 đến 1-1-2008, Cơ quan mật vụ đã cung cấp nhân viên bảo vệ cho bà Clinton trong 454 chuyến đi vận động tranh cử và ông Obama trong 404 chuyến đi.

Mặc dù có một bà mẹ là người da trắng, nhưng trong mắt mọi người, ông Obama vẫn là một người da đen và chính ông cũng từng thừa nhận là có một vài đe dọa liên quan đến động cơ sắc tộc. Vợ ông, bà Michelle cũng khẳng định an ninh cho chồng bà là một trong nhiều vấn đề phải quan tâm.

Lúc đó ông Obama nói: "Như các bạn từng biết, cho đến gần đây, tôi vẫn thường tự mình đi chợ ở cửa hàng tạp hóa". Thế nên khi miễn cưỡng yêu cầu Cơ quan mật vụ bảo vệ sớm trong cuộc đua, ông đặt vấn đề: "Có phải sẽ có nhiều người không bỏ phiếu cho tôi vì tôi là người Mỹ gốc châu Phi?".

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng nhuốm màu bạo lực. Gần như mỗi khi Donald Trump xuất hiện ở nơi đâu là sự chống đối nổ ra. Trùm tư bản bất động sản thường nhạo báng những người biểu tình và đã có những vụ va chạm xảy ra giữa 2 phe chống đối và ủng hộ ông.

Trước những âm mưu ám sát yếu nhân liên tục được ghi nhận kể từ năm 1968, Cơ quan mật vụ Mỹ (SS) luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ khi nhận nhiệm vụ bảo vệ tổng thống và ứng cử viên tổng thống. Hồi tháng 3 ở bang Ohio, toán mật vụ phải xếp thành hàng rào bao quanh Donald Trump khi phát hiện một người đàn ông muốn trèo lên nơi Donald Trump đang đứng diễn thuyết. Sau đó, các sự kiện bị hủy bỏ vì lý do an ninh.

Hôm 30-5, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders có bài phát biểu trước 60.000 người bên ngoài hội trường thành phố Oakland thuộc bang California. Khi đang diễn thuyết trước công chúng thì một nhóm các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật đã bất ngờ trèo qua rào chắn an ninh và tìm cách lao lên sân khấu nơi ông Sanders đang đứng. Tuy nhiên, các mật vụ Mỹ đã nhanh chóng phát hiện ra ý đồ này và phản ứng tức thì để bảo vệ ông Sanders.

Đoạn video quay lại thời điểm xảy ra vụ việc cho thấy, hai mật vụ Mỹ đã vây quanh ông Sanders và hối thúc ông rời khỏi bục phát biểu trong khi các nhân viên an ninh khác chạy tới và chặn nhóm người phản đối đang tìm cách lao lên sân khấu. Một người trong nhóm này sau đó đã được 3 nhân viên an ninh đưa ra ngoài. Ít nhất 4 người đã bị bắt giữ sau vụ việc trên, đài NBC cho biết.

Hội những người bảo vệ quyền động vật đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc này, đồng thời nói rằng trong đám đông đứng dưới nghe bài phát biểu của ông Sanders, có tới hơn 20 người phản đối như vậy. Đây không phải lần đầu tiên trong năm nay, mật vụ Mỹ phải lao vào bục diễn thuyết để bảo vệ các yếu nhân.

Trước đó, trong tháng 3, một người biểu tình đã nhảy qua rào và tìm cách lao lên bục diễn thuyết của ông Donald Trump tại Vandalia, bang Ohio. Lực lượng mật vụ đã phản ứng tương tự như trong tình huống của ông Sanders để che chắn cho ứng viên tranh cử. Cuối tháng 4, đoàn xe hộ tống của tỷ phú Donald Trump đã buộc phải dừng lại dọc xa lộ, và ông Trump đã phải tách ra để đến dự một hội nghị tại Burlingame, California.

Các ứng cử viên tổng thống thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bắt đầu được nhân viên SS bảo vệ sau khi họ được đề cử ra tranh cử - hoặc vào thời gian trước đó nếu như họ có yêu cầu hoặc thực sự có mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Trong lần tranh cử này, Donald Trump và Ben Carson nhận được sự bảo vệ từ phía đảng Cộng hòa, trong khi Hillary Clinton và Bernie Sanders nhận từ phía đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, 2 chương trình bảo vệ tổng thống và ứng cử viên tổng thống có sự khác biệt rõ ràng. Theo luật pháp Mỹ, tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm bắt buộc phải được nhân viên SS bảo vệ nghiêm ngặt mọi lúc mọi nơi, trong khi các ứng cử viên có quyền từ chối biện pháp bảo đảm an ninh dành cho họ.

Các biện pháp bảo vệ của SS bao gồm rà soát tình hình an ninh một địa điểm trước khi yếu nhân xuất hiện, sử dụng chó để đánh hơi dò bom cùng với thiết bị dò kim loại để kiểm tra những người tham dự sự kiện. Lực lượng cảnh sát lái mô tô đặc chủng cũng được huy động tối đa khi ứng cử viên tổng thống di chuyển trên đường và họ được bảo vệ suốt 24 giờ trong ngày. Người phát ngôn cho SS nhấn mạnh các biện pháp bảo vệ của cơ quan nhằm "răn đe, giảm thiểu nguy cơ và phản ứng tức thời trước mọi mối đe dọa".

Hệ thống bảo đảm an ninh của SS cũng huy động các nguồn đặc biệt bao gồm an ninh hàng không, chuyên gia bắn tỉa, do thám và các đội chuyên gia hóa học. Tuy nhiên, nhân viên SS không có nhiệm vụ ngăn chặn hay giải tán những đám đông người dân biểu tình trừ phi xuất hiện mối đe dọa tính mạng đối với ứng cử viên tổng thống. 

Theo CAND