Chuyển 200 máy thở chức năng cao vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Thứ sáu, ngày 20/08/2021

(BDO)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp nhận trang thiết bị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng từ ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Nguồn: moh.gov.vn)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết ngày 20/8, Bộ Y tế đã tiếp nhận 200 máy thở chức năng cao do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định ngay trong ngày, 200 máy thở này sẽ được chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để phục vụ công tác điều trị.

Thay mặt ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch.

Do đặc thù của đợt dịch COVID-19 thứ 4, Bộ Y tế đã tiến hành phân tầng điều trị theo 3 tầng. Tầng 1 là chăm sóc, điều trị và quản lý F0 có điều kiện tại nhà và tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu.

Tầng 2, các địa phương đã và đang mở rộng quy mô giường bệnh để người bệnh có thêm giường điều trị.

Tầng 3 là tầng điều trị cao nhất, dành cho bệnh nhân nặng, rất nặng cần đến máy thở nhiều. Ở tầng điều trị này, Bộ Y tế lập 1 Bệnh viện hồi sức COVID-19 ( hiện công suất 1.000 giường đã lấp đầy) và 4 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quy mô 500 giường một trung tâm do 4 Bệnh viện tuyến trung ương (Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) vận hành, chịu trách nhiệm về chuyên môn. Tại các trung tâm này, hầu như đều là bệnh nhân nặng, rất nặng, do đó hồi sức cho bệnh nhân rất quan trọng.

Với số lượng ca bệnh tăng nhanh chóng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam phải tập trung cao độ cho công tác điều trị. Để đồng hành và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Y tế đã huy động lực lượng lớn khoảng hơn 13.000 cán bộ y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19; đồng thời chuyển đến nhiều trang thiết bị phục vụ điều trị.


Bộ Y tế đã trao đổi và thống nhất thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với 2 nhiệm vụ là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn và thăm khám, tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh ngoài COVID-19, kết nối, chuyển tuyến; tổ chức điều trị, chăm sóc các ca F0.

Về vấn đề máy thở cho người bệnh, Bộ Y tế phối hợp với nhiều bộ, ngành tiến hành đàm phán để mua nhưng cũng gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới. Do đó việc có thêm 200 máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân nặng là vô cùng cần thiết.

Trong đợt dịch thứ 4 này, Bộ Y tế thiết lập Kho dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Y tế đã cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...

Cập nhật đến trưa 20/8, trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal cho thấy đã có 16.341.097 liều vaccine được tiêm chủng trên cả nước; riêng trong ngày 19/8 đã tiêm 381.598 liều.

Trên Cổng thông tin tiêm chủng cho hay 10 tỉnh, thành phố có tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất (tính theo số mũi tiêm trên số vaccine được phân bổ thực tế) gồm: Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Giang và Bình Phước.

10 tỉnh, thành phố tiêm chậm (tính theo số mũi tiêm trên số vaccine được phân bổ thực tế) gồm: Thanh Hóa, Bình Thuận, Quảng Nam, Thái Bình, Hà Giang, An Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Dữ liệu trên cổng này cũng cho biết đến trưa 20/8 đã có 5.338.103 lượt người đăng ký tiêm chủng vaccine./.

Theo TTXVN