Chụp cộng hưởng từ và những điều cần biết
Nhiều người vẫn chưa hình dung được chụp cộng hưởng từ (MRI) là như thế nào nên tỏ ra rất lo lắng khi được bác sĩ chỉ định phương pháp này. Chúng tôi đã đến Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh để tìm hiểu thêm về chụp MRI.
Anh Cường và chị Loan đang theo dõi trên máy tính về một trường hợp đang chụp MRI
Tại phòng chờ chụp MRI, nhiều bệnh nhân (BN) tỏ ra lo lắng bởi họ cho biết mới chụp lần đầu. Chị Lê Minh Loan, điều dưỡng, phụ trách ở đây đang tư vấn, giúp BN ổn định tâm lý trước khi vào máy chụp. Theo chị, nhiều người đã được tư vấn khá kỹ nhưng vẫn tỏ ra rất lo lắng. Bởi thế, việc tư vấn là rất quan trọng. Cán bộ điều dưỡng phải hỏi tiền sử bệnh của BN, có bị bệnh tim, cao huyết áp, đã từng phẫu thuật chưa hay trong người có gắn “thiết bị y tế hỗ trợ” nào không... Nhiều người đã vào trong buồng máy, thay đồ nhưng lo quá và cuối cùng đành hẹn hôm khác. Có người không “nằm trong máy” đủ thời gian 30 phút theo yêu cầu đành “ra dấu” để ngưng ca chụp giữa chừng.
Tuy nhiên, không có gì đáng lo lắng cả. Anh Nguyễn Mạnh Cường, Cử nhân X.quang giải thích: “Chụp cộng hưởng từ đã phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam bởi tính ưu việt của nó so với các phương pháp tạo ảnh y học khác. Chụp cộng hưởng từ hay còn gọi là chụp MRI (Magnetic Resonnace Imaging) là phương pháp đưa cơ thể vào vùng từ trường mạnh để đồng hóa chiều chuyển động của các nguyên tử Hydro trong các phân tử nước của cơ thể và một ăng ten thu phát sóng radio tần số thấp (tần số radio này được thay đổi trong vùng từ trường ổn định của nam châm chính tùy theo mục đích khảo sát của sự phân biệt mỡ, nước...) được sử dụng để gửi tín hiệu đến cơ thể gặp các nguyên tử Hydro của cơ thể sau đó nhận lại tín hiệu về chiều chuyển động của các nguyên tử này. Tín hiệu của ăng ten được truyền về trung tâm máy tính xử lý tín hiệu số sau đó các tín hiệu được truyền về máy tính điều khiển và các hình ảnh cấu trúc cơ thể được mô phỏng tại đây. Với quy trình làm việc như thế, trong quá trình chụp, rất cần sự hợp tác của BN. Nếu BN nằm im, hình ảnh sẽ rõ nét hơn là ngọ nguậy, thay đổi liên tục...”. Anh Cường cũng cho biết thêm, khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện sử dụng chụp MRI bởi nó đặc biệt ưu thế trong khảo sát bệnh lý sọ não, cột sống - đĩa đệm, các bệnh gân, cơ, dây chằng, khớp...
Theo số liệu từ BVĐK tỉnh, từ đầu năm đến nay, khoa Chẩn đoán hình ảnh chụp MRI cho gần 450 ca, hỗ trợ rất nhiều cho việc khám bệnh và điều trị. Phương pháp chụp MRI được tính cho bảo hiểm y tế nên người chụp chỉ đóng 20% (khoảng 400.000 đồng cho mỗi lần chụp). Vấn đề quan trọng vẫn như chị Loan nói là “chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để có hình ảnh chính xác trong quá trình chụp cũng như đọc kết quả”.
Q.NHƯ