Chương trình xúc tiến thương mại 2018: Thực hiện tốt các chương trình trọng điểm
Năm 2018, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) sẽ có nhiều hoạt động đổi mới phương thức hoạt động, tập trung vào các ngành hàng, thị trường trọng điểm; đồng thời thực hiện tốt hơn nữa định hướng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
(BDO)
Đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương tham gia hội chợ quốc tế tại Havana, Cuba. Ảnh: P.V
Tổ chức nhiều chương trình XTTM
So với những năm trước, Chương trình XTTM quốc gia năm 2018 có nhiều điểm mới, cụ thể là tập trung hỗ trợ các đề án trọng điểm theo ngành hàng, thị trường, ưu tiên phát triển thương hiệu cho những sản phẩm chủ lực theo từng năm. Chương trình XTTM quốc gia năm nay được dự báo sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, trong điều kiện Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2018/NĐ- CP quy định một số biện pháp phát triển ngoại thương, trong đó quy định rất rõ về nội dung, nguồn kinh phí, nguyên tắc hỗ trợ và mức hỗ trợ… đối với đề án XTTM quốc gia.
Theo Nghị định 28/2018/ NĐ-CP, các hoạt động XTTM quốc gia được thực hiện theo tiêu chí: XTTM cho sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của vùng kinh tế, quốc gia, phát triển thị trường xuất khẩu; nâng cao hiệu quả nhập khẩu, phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu; chương trình được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có cơ chế phối hợp của bộ, ngành; Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, đầu mối...
Nghị định này cũng quy định các đề án được thực hiện phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp; phù hợp với định hướng chiến lược xuất nhập khẩu và chiến lược phát triển ngành hàng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển vùng kinh tế, địa phương. Đối với các đề án mà quá trình thực hiện kéo dài trên 1 năm, đơn vị chủ trì phải xây dựng nội dung và kinh phí, thực hiện quyết toán theo từng năm.
Lãnh đạo Trung tâm XTTM cho biết, năm 2018, trung tâm tiếp tục tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều chương trình XTTM quan trọng trong và ngoài nước; trong đó tổ chức 10 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các cụm công nghiệp; tổ chức sự kiện kết nối cung cầu mặt hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh với các thị trường trong và ngoài nước. Trung tâm cũng hỗ trợ 45 gian hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ tham gia các hội chợ trong nước, tham gia 15 chương trình XTTM vùng và các tỉnh khác; hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gốm sứ, gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may, cơ điện… tham gia hội chợ tại các nước Đức, Mỹ, Nga, Myanmar...
Dành nguồn lực cho các đề án lớn
Theo các chuyên gia, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết, các doanh nghiệp cần tận dụng nguồn kinh phí từ chương trình XTTM quốc gia và địa phương để mời gọi các nhà nhập khẩu đến tìm hiểu thị trường. Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp nên tổ chức các hội chợ thương mại, hội nghị ngành hàng quốc tế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp xúc với các nhà nhập khẩu nước ngoài; tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất và kênh phân phối, chuỗi siêu thị lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, Cục XTTM, Trung tâm XTTM cần có những chương trình hỗ trợ mang tính tập trung, sát với nhu cầu thực tế hơn để giúp nguồn vốn XTTM thật sự đem lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Riêng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã cây ăn trái trên địa bàn mong muốn chương trình XTTM quan tâm nhiều hơn nguồn hỗ trợ phát triển cây ăn trái có múi trên địa bàn.
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh cho biết, những năm qua, hoạt động thuộc Chương trình XTTM của tỉnh đều bám sát định hướng cụ thể về lĩnh vực, ngành hàng và địa bàn ưu tiên. Năm 2018, chương trình ưu tiên dành nguồn lực để triển khai các đề án mang tính dài hạn, tập trung thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng mà Bình Dương có thế mạnh như gỗ, gốm sứ, dệt may, cơ điện... với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Do nguồn lực có hạn, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp tham gia chương trình XTTM tại nước ngoài. Đối với cây ăn trái có múi, Sở Công thương đã chỉ đạo trung tâm tăng cường quảng bá, giới thiệu chất lượng cây ăn trái có múi của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước nhằm tìm hướng ra bền vững cho mặt hàng này.
TIỂU MY