Chương trình Thương mại điện tử - Thành tựu và giải pháp phát triển xuyên biên giới

Thứ hai, ngày 29/10/2018

(BDO) Bình Dương có chỉ số phát triển TMĐT (EBI) năm 2017 đứng thứ 4 so với cả nước. Chương trình TMĐT (2017-2020) trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời về nghiệp vụ của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Công Thương. Sự phối hợp, đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành trong Ban chỉ đạo CNTT của tỉnh đã nâng cao hiệu quả chương trình TMĐT. Đặc biệt, với sự ra đời của hai bộ Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) và Luật An ninh mạng đã đã góp phần bảo đảm ATTTM và an ninh mạng cho người dùng và doanh nghiệp (DN). Để thúc đẩy phát triển TMĐT trong thời gian tới, Sở Công Thương đã đề ra các giải pháp phát triển TMĐT xuyên biên giới, để người Bình Dương có thể dễ dàng mua hàng từ khắp nơi trên toàn cầu và DN Bình Dương cũng mở rộng thị trường trên khắp thế giới… Ngành chức năng cũng đã có nhiều hoạt động bảo vệ an toàn, an ninh mạng cũng như bảo vệ quyền lợi người sử dụng, DN.

 Tăng cường công tác thông tin, nắm bắt nhu cầu DN  

Để đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho người dân và DN, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ, Sở Công Thương đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Dự án “Nâng cấp Cổng thông tin thương mại điện tử (TTTMĐT) Sở Công Thương Bình Dương”. Hiện Cổng TTTMĐT của Sở Công Thương đã vận hành ổn định, đạt yêu cầu thông tin hoạt động ngành công thương đến người dân và DN, đáp ứng nhu cầu giao dịch hành chính công trực tuyến trên Cổng TTĐT của sở.

Trong năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) đã cập nhật 576 tin, bài và 150 văn bản mới trên Cổng TTTMĐT của Sở Công Thương Bình Dương về các lĩnh vực công thương, xuất nhập khẩu, đầu tư, pháp luật, hội nhập kinh tế quốc tế, những điều DN cần biết, các chương trình hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, thông tin hoạt động của ngành, góp phần phục vụ cho nhu cầu tra cứu thông tin của DN.

Ông Phạm Thanh Dũng (bên phải) giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Bình Dương tại Hội chợ thương mại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Bình Dương 2018 do Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với Trung tâm mua sắm AEON MALL Bình Dương Canary tổ chức từ ngày 8-9 đến 11-9-2018 tại Sảnh C - Trung tâm mua sắm AEON MALL Bình Dương Canary

Ngoài ra, trung tâm đã cung cấp 116 nguồn tin về hoạt động của ngành công thương tỉnh Bình Dương cho Trang TTĐT Bộ Công Thương. Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu đào tạo quản lý - RIMT (Research Institute of Management Training) tổ chức thành công 2 lớp tập huấn về TMĐT: “Kỹ thuật thực hành Digital Marketing 3.0” và “Kiến thức TMĐT” cho DN với gần 140 học viên đăng ký tham gia, đạt 100% so với kế hoạch.

Bên cạnh công tác cung cấp thông tin cho người dân và DN, để nắm bắt nhu cầu DN, thực hiện tốt Chương trình TMĐT của tỉnh, Sở Công Thương đã tổ chức khảo sát ứng dụng TMĐT tại DN trên diện rộng. Đến nay, trung tâm đã nhận, sàng lọc được 1.250 phiếu khảo sát từ các đơn vị gửi về, đồng thời gửi đơn vị tư vấn phân tích số liệu và hoàn thiện báo cáo khảo sát.

Qua khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT trong DN Bình Dương, ngành chủ quản đã nắm bắt nhu cầu DN, để có cơ sở triển khai ứng dụng TMĐT trong thời đại hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay!

Ưu tiên giải pháp TMĐT xuyên biên giới trong thời đại 4.0

Với lợi thế là tỉnh có chỉ số EBI đứng thứ 4 cả nước trong năm 2017, trong đó việc ứng dụng tin học, CNTT trong hoạt động sản xuất cũng như hình thức giao thương trực tuyến, TMĐT là xu hướng mới được DN quan tâm. Vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Liên minh xuất khẩu Việt Nam (VESA), đại diện Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp liên kết xúc tiến xuất khẩu trực tuyến cho DN Bình Dương qua Alibaba. com”. Qua hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về Liên minh xuất khẩu Việt Nam, mục tiêu và những thách thức trong xuất khẩu của tỉnh Bình Dương năm 2017, tiềm năng xuất khẩu Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, giải pháp thanh toán thương mại, giải pháp xuất khẩu trực tuyến thành công, tầm quan trọng của liên kết dịch vụ hỗ trợ trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho DN Bình Dương như chuỗi dịch vụ xuyên suốt hỗ trợ DN xuất khẩu từ khâu tìm kiếm khách hàng, chuẩn bị hàng hóa, bảo hiểm hàng hóa, thủ tục hải quan, vận chuyển, thủ tục thanh toán, giải quyết khiếu nại.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc XTTM cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, phục vụ thiết thực nhu cầu của DN và người dân, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau: Đẩy mạnh việc ban hành các văn bản triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và triển khai dịch vụ chứng thực cho website TMĐT. Tăng cường các văn bản mang tính pháp lý liên quan đến TMĐT để hỗ trợ DN trong quá trình giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia trực tuyến. Phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng hơn về chương trình TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tham gia. Khuyến khích DN đầu tư vào TMĐT, ứng dụng các công nghệ để nâng cao khả năng kết nối, giao dịch và xuất khẩu hàng hóa phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các địa phương trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về kỹ năng sử dụng CNTT phục vụ.

Tích cực ổn định trật tự trong kinh doanh TMĐT

Vui mừng trước thành tựu về TMĐT, song nỗi lo về tình hình vi phạm trong TMĐT vẫn còn đó. Hiện diễn biến những vụ việc vi phạm TMĐT hết sức phức tạp, xu hướng ngày càng tinh vi hơn về cả quy mô và mức độ. Đại diện Cục ATTT, cho biết, thời gian vừa qua, nhiều website của các cơ quan Nhà nước và nhiều DN đã bị tấn công, phá hoại, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. “Tin tặc” không loại trừ một quốc gia, một tổ chức hay cá nhân nào cả, ngay cả nước Mỹ, một trong những nước phát triển nhất trên thế giới về CNTT, cũng gặp rắc rối vì tin tặc. Thời gian gần đây, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Vụ KV4), Bộ Công Thương tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp DN Việt Nam nhận được đề nghị mua bán hàng hóa, ký kết hợp đồng giao dịch, hợp tác kinh doanh mang tính lừa đảo, gian lận từ một số đối tác tại các nước khu vực thị trường châu Phi và Nam Á. Qua quá trình thẩm tra,

 Vụ KV4 và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại địa bàn đã cảnh báo, lưu ý đối với các DN Việt Nam về những hình thức lừa đảo, gian lận phổ biến của DN đối tác tránh thiệt hại rủi ro trong quá trình giao thương.

Trong nước, Cục TMĐT và CNTT đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để trục lợi, lừa đảo. Đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, nhóm các website cung cấp dịch vụ TMĐT... Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tăng cường công tác cảnh báo tới người tiêu dùng, nhằm mục tiêu minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm lòng tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại Bình Dương

Đó là nội dung phối hợp giữa Cục TMĐT & CNTT, Bộ Công Thương và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhằm đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật về TMĐT tại hội thảo về ATTTM tại Bình Dương.

Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát ATTT, các cơ quan, tổ chức chủ quản hệ thống CNTT cần trang bị đầy đủ các thiết bị ATTT cần thiết như: Hệ thống tường lửa, hệ thống phát hiện, ngăn chặn xâm nhập trái phép IDS/IPS, hệ thống Anti-virus, hệ thống bảo mật website, hệ thống phát hiện, ngăn chặn mã độc cho thư điện tử… Bên cạnh đó, cần đào tạo, nâng cao nhận thức về ATTT cho cán bộ, lãnh đạo và người dùng trong cơ quan, đơn vị; tuân thủ chặt chẽ các chính sách về ATTT trong vận hành hệ thống mạng, máy chủ, máy trạm; tăng cường mật khẩu và xác thực nhiều lớp, thiết lập hệ thống sao lưu dự phòng bảo đảm tránh rủi ro mất dữ liệu khi sự cố xảy ra. Theo thống kê của Cục ATTT và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Bộ TT&TT: Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, trung tâm đã ghi nhận 6.303 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, bao gồm 1.522 cuộc tấn công lừa đảo, 3.792 cuộc tấn công cài đặt phần mềm độc hại và 989 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Trong đó, có 25 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin sử dụng tên miền “.gov.vn”.

Sau hội thảo này, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức hội thảo công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hơn 100 DN trú đóng trong Khu công nghiệp Sóng Thần, thuộc TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Theo thống kê của Phòng An ninh kinh tế tại hội thảo, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã phát hiện 5 vụ các đối tượng sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt số tiền là 177,847.52 USD, 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội với số tiền hơn 300 triệu đồng, 2 vụ trộm cắp tiền trong thẻ ATM với số tiền hơn 120 triệu đồng. Tại hội thảo, các chuyên viên thuộc Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Dương và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM đã phổ biến các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng như email, facebook, thẻ ATM cho đại diện các DN trên địa bàn. Song song đó, cơ quan công an cũng hướng dẫn DN cách tự kiểm tra, bảo vệ tài sản khi giao dịch trực tuyến và cách sử dụng mạng xã hội, thẻ ATM an toàn.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc XTTM cho biết thêm: “Giải pháp phát triển TMĐT ở Bình Dương cũng là giải pháp cải thiện một số điểm còn “thấp” đối với Bình Dương là cần phải đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và phổ cập kiến thức về TMĐT, không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và môi trường pháp lý cho TMĐT, có những biện pháp bảo đảm an toàn cho các giao dịch TMĐT, phát triển các dịch vụ công và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này. Đặc biệt, để thúc đẩy DN hội nhập TMĐT sâu rộng, Trung tâm XTTM đề ra giải pháp “gần DN, sát DN”, chuyên nghiệp hóa công tác XTTM.

Để hỗ trợ DN, thúc đẩy TMĐT phát triển, Sở Công Thương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực quản lý TMĐT, bổ sung kiến thức TMĐT ứng dụng cho DN và cán bộ quản lý. Nhằm hỗ trợ DN nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh trên Internet, quảng cáo đặt banner/ logo/iTVCs, tiếp thị bằng các công cụ tìm kiếm (Google), quảng cáo qua mạng xã hội, Facebook marketing, phát triển cộng đồng, xây dựng thương hiệu, video marketing với youtube, cách thu hút hàng triệu lượt xem, tiếp thị qua mobile, email, các ứng dụng, tiện ích. Qua đó, Trung tâm XTTM và các chuyên gia phân tích những ưu điểm của marketing online so với marketing truyền thống để nâng cao nhận thức của DN về TMĐT. Do khách hàng sử dụng Internet, các thiết bị số hóa để online ngày càng nhiều, đây là chiến lược marketing dựa trên sở thích, xu hướng của khách hàng, tiếp cận được khách hàng liên tục 24/7, tương tác 2 chiều giữa DN và khách hàng, chi phí thấp, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ!”.

Tiến tới hỗ trợ tốt hơn cho DN, UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương Bình Dương phối hợp Sở TT&TT tiến hành khảo sát, nghiên cứu xây dựng Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, nhằm giúp tạo dựng cơ hội tìm kiếm thông tin cho các đối tác trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm của các DN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và tư vấn các pháp lý cho các DN tiếp cận với loại hình kinh doanh trực tuyến thuận lợi. Đồng thời có thể giúp cơ quan chuyên ngành tích hợp được hệ thống giao dịch, thanh toán trực tuyến và thuận lợi trong công tác quản lý.

Riêng đối với các DN xuất khẩu, Vụ KV4 - Bộ Công Thương lưu ý, cảnh báo: Khi làm ăn với đối tác nước ngoài thuộc các khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á cần hết sức thận trọng, để tránh rủi ro có thể xảy ra. Thêm vào đó, Trung tâm XTTM, Sở Công Thương Bình Dương cũng kêu gọi DN cần phải tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo do cơ quan Nhà nước hỗ trợ để nắm thêm các quy định và thông tin, để phòng, tránh rủi ro.

Nhìn chung, thời gian qua, Trung tâm XTTM, Sở Công Thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ TMĐT phát triển, tích cực góp phần chuyển dịch từ kinh doanh truyền thống sang xuất khẩu trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động của DN, giúp DN giảm bớt các chi phí quảng cáo, tiếp thị, marketing, phân phối trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cũng như giảm bớt các chi phí tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đầu vào cho DN. Với sự ra đời của hai bộ Luật ATTTM và An ninh mạng, với sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc bảo vệ người dân và DN, môi trường TMĐT cùng ngành kinh doanh kỹ thuật số này của Bình Dương sẽ được bảo đảm an toàn, an ninh. Đặc biệt, với các giải pháp phát triển TMĐT của Trung tâm XTTM, Sở Công Thương, hy vọng chương trình TMĐT nói chung, chỉ số EBI của tỉnh Bình Dương nói riêng, sẽ phát triển hơn nữa, làm nền tảng cho tỉnh nhà trên lộ trình xây dựng thành phố thông minh và hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, bền vững.

 Để tránh vi phạm Luật An ninh mạng 2018 (Quốc hội vừa thông qua ngày 12-8-2018), cần lưu ý 14 hành vi vi phạm Luật An ninh mạng dễ bị mắc phải:

1. Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự;

2. Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

3. Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

4. Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;

5. Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán;

6. Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

7. Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

8. Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;

9. Cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại;

10. Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật An ninh mạng;

11. Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

12. Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

13. Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

14. Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử.

Luật An ninh mạng 2018 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019.

 

Điều 7 của Luật ATTTM đã quy định rất rõ 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật. Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng. Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ ATTTM của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin. Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.

 

 

 Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phan Tâm khẳng định: “Bảo đảm ATTTM đang là vấn đề sống còn của mọi quốc gia trên thế giới. Trong một thế giới phẳng, kết nối “nhằng nhịt” như hiện nay, bên cạnh 4 trụ cột gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp và ứng dụng thì ATTTM đang trở thành trụ cột thứ năm để bảo vệ cho nền kinh tế số phát triển lành mạnh trong thời gian tới”.

 Tuân thủ 2 nguyên tắc “tự bảo vệ” và “không xâm phạm” của Luật ATTTM

Ngày 19-11-2015 Kỳ họp thứ mười Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật ATTTM với 424/425 bỏ phiếu tán thành. Luật ATTTM đề cập đến rất nhiều vấn đề mới, “nóng bỏng” trong lĩnh vực ATTTM hiện nay, cụ thể hóa nhiều vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội như thư “rác”, thu thập, phát tán thông tin cá nhân trái phép.

Trong bối cảnh đó, mỗi cá nhân, tổ chức có “tài sản mềm” trước hết cần tự có trách nhiệm, cần nhận thức đầy đủ hơn và có biện pháp bảo vệ phù hợp với loại tài sản này. Đặc biệt, Điều 4 của Luật ATTTM đưa ra các nguyên tắc bảo đảm ATTT, trong đó, 2 nguyên tắc cơ bản nhất là: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm ATTTM và tổ chức, cá nhân không được xâm phạm ATTTM của tổ chức, cá nhân khác.