Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 ở Bình Dương: Những kết quả khả quan
Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng (PCSDD) trẻ em dưới 5 tuổi giai đoạn 2001-2010 và đề ra nhiệm vụ phương hướng thực hiện từ năm 2011-2015. Tại hội nghị, Bình Dương là một trong những tỉnh được đánh giá cao về kết quả thực hiện và được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen.
Phòng chống suy dinh dưỡng trong các trường mầm non được thực hiện có hiệu quả. Ảnh: A.Sáng
Sau 10 năm thực hiện, với sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các ban ngành và toàn thể nhân dân, đến nay, công tác PCSDD ở Bình Dương đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về PCSDD được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2003. Chương trình phát thanh trên hệ thống phát thanh xã, phường; chương trình chăm sóc sức khỏe mọi người trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương được duy trì hàng tuần, nhằm chuyển tải các thông điệp về dinh dưỡng đến từng người dân. Bên cạnh đó, các hình thức: xe hoa tuyên truyền, tổ chức hội thi “Cộng tác viên dinh dưỡng”, trình diễn bữa ăn dinh dưỡng, cấp phát tờ rơi... cũng được thực hiện rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao trình độ của người dân về dinh dưỡng.
Với quan điểm coi điểm trông trẻ là một vị trí tiến hành can thiệp dinh dưỡng và truyền thông, ngành y tế đã tổ chức các lớp tập huấn dinh dưỡng cho cán bộ mầm non về cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở các nhà trẻ ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình ở các huyện, xã, khu công nghiệp. Tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền PCSDD cho hàng chục ngàn lượt cha mẹ trong các trường mẫu giáo. Tổ chức hội thi bé khỏe, bé ngoan hàng năm, nâng cao chất lượng bữa ăn tại các trường bán trú. Trong năm 2004, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh phối hợp với trường mẫu giáo Hoa Cúc tại Thuận An xây dựng mô hình chế biến sữa đậu nành cho các cháu.
Ngành y tế chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành khác nhằm đa dạng hóa các hình thức hoạt động, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Phối hợp với công đoàn các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động trang bị kiến thức cho công nhân thông qua các hình thức: nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai, bà mẹ có con nhỏ cho công nhân các khu công nghiệp.
Phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) PCSDD cho các công nhân là phụ nữ có thai và các bà mẹ có con nhỏ trong các khu nhà trọ ở các xã có khu công nghiệp. Duy trì sinh hoạt các CLB này hàng tháng. Thông qua hoạt động của các CLB tại các khu nhà trọ: nồi cháo dinh dưỡng, ly sữa hột gà cho cháu, người mẹ trong các khu công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin về nuôi dưỡng và chăm sóc con, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và động viên giúp đỡ lẫn nhau.
Tổ chức các hội thi, giao lưu cha mẹ và cả các ông bà chăm sóc con cháu theo phương pháp khoa học. Tổ chức CLB mẹ giỏi con ngoan, đưa hoạt động giáo dục truyền thông dinh dưỡng trở thành một phong trào xã hội, kiến thức nhanh chóng được chuyển tải đến cộng đồng.
Hàng năm, ngành y tế cũng tổ chức khám, cấp sản phẩm dinh dưỡng (sữa hộp, bột cóc) và tư vấn cho các bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng ở các xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao trong toàn tỉnh.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm hàng năm từ 34,5% năm 2000 đến 15,4% năm 2008 đã đạt kế hoạch đề ra, trung bình giảm 1,5% hàng năm. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân giảm dưới 4,5%, đạt kế hoạch đề ra. Công tác xã hội hóa về y tế nói chung và về chăm sóc sức khỏe trẻ em nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng, phòng bệnh và tự chăm sóc bản thân, dinh dưỡng đúng, hợp lý được mọi người trong cộng đồng rất quan tâm.
Mặc dù đạt nhiều thành tích trong công tác PCSDD thời gian vừa qua nhưng ngành y tế Bình Dương nói riêng và UBND tỉnh nói chung đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức mới trong tình hình mới. Các vấn đề dinh dưỡng: béo phì, một số bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng và lối sống, ngộ độc thực phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh lao động đang có chiều hướng gia tăng; Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia chưa quan tâm đúng mức đến đối tượng công nhân; Vấn đề dinh dưỡng cho các đối tượng, lứa tuổi, ngành nghề khác nhau cũng như vấn đề ăn uống điều trị trong bệnh viện, khẩu phần ăn của công nhân... chưa được quan tâm; Cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, điều kiện cơ sở vật chất ở vùng sâu, vùng xa và những vùng dân cư tự phát xung quanh các khu công nghiệp còn kém; Phối hợp liên ngành còn chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ...
Bình Dương vẫn đang vững chắc trên con đường PCSDD. Đứng trước những khó khăn, thử thách nêu trên, trong thời gian tới công tác PCSDD cần có sự chung tay của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân.
MAI HƯƠNG