Chương trình OCOP tiếp tục lan tỏa sâu rộng

Thứ hai, ngày 22/01/2024

(BDO) Mục tiêu của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chính vì vậy, chương trình OCOP cũng được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng NTM ở Bình Dương thời gian qua. OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện chương trình đã và đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Nhờ xác định được hướng đi đúng trong xây dựng các sản phẩm OCOP, sự tham gia, vào cuộc tích cực của các địa phương đã góp phần rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Phát huy kết quả đạt được, Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 60 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao, có từ 5 sản phẩm OCOP xuất khẩu. Tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, 100% số xã trên toàn địa bàn có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình, gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới; đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho hội đồng, tổ giúp việc, các tổ chức, cá nhân tham gia đề án phát triển các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực các sản phẩm chủ lực, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Mặt khác, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến… cho các cơ sở có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Với sự nỗ lực của các chủ thể cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng chương trình OCOP ở Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cao hơn, rõ nét hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.

PHƯƠNG ANH

Từ khóa: