Chương trình OCOP: Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển

Thứ ba, ngày 29/12/2020

(BDO) Qua triển khai thực hiện, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nhận được sự hưởng ứng của các chủ thể sản xuất và cấp ủy, chính quyền các cấp. Vậy nội dung cơ bản của chương trình OCOP là gì? Những nhóm hàng, ngành hàng nào là chủ lực trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP của tỉnh? Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm làm rõ thêm những nội dung liên quan đến vấn đề này.

 Sản phẩm dưa lưới của Công ty U&I tham gia chương trình OCOP của tỉnh

 - Ông có thể giải thích về OCOP và mục tiêu chung của chương trình hướng đến?

- OCOP là từ viết tắt tên tiếng Anh “One Commune One Product”, dịch sang tiếng Việt là “Mỗi xã một sản phẩm”. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng.

Mục tiêu chung của chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

- Đối với Bình Dương, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện chương trình OCOP, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Lợi thế của Bình Dương trong triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn như hệ thống giao thông, điện, hệ thống thông tin… thuận lợi đến từng thôn ấp, tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước… Cùng với đó, Đề án Đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã thành lập nhiều đầu mối, nhiều tổ chức và nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Qua 8 tháng triển khai thực hiện, đề án nhận được sự đồng lòng, nhiệt tình của cán bộ được giao nhiệm vụ từ cấp tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là sự hưởng ứng của chủ thể có sản phẩm phù hợp chương trình OCOP theo 6 nhóm sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 4 huyện, thị (Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Tân Uyên, Bến Cát) tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện với 45 sản phẩm được đánh giá, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 3 sao và 9 sản phẩm 2 sao. Số lượng chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, gồm: 6 công ty TNHH; 6 hợp tác xã; 8 trang trại và 6 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Theo đó, cấp huyện đã trình hồ sơ đề xuất Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đối với những sản phẩm được cấp huyện đánh giá có tiềm năng 3 sao, 4 sao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khó khăn bởi lao động nông thôn, nguồn vốn đầu tư dễ bị thu hút sang các kênh đầu tư khác do suất sinh lợi trong nông nghiệp, sản phẩm ngành nghề nông thôn kém hấp dẫn. Các nhóm sản phẩm về du lịch cộng đồng là loại hình dịch vụ mới nên quá trình triển khai đòi hỏi đồng bộ nhiều yếu tố và mất thời gian dài. Quá trình tổ chức xúc tiến tiêu thụ và xây dựng kênh phân phối sản phẩm ổn định đối với sản phẩm sau khi được công nhận (3 sao, 4 sao…) tương đối khó khăn, đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ và phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương và chủ thể của sản phẩm…

- Thưa ông, Bình Dương xác định những nhóm hàng, ngành hàng nào sẽ là chủ lực trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP?

- Trong 6 nhóm sản phẩm, Bình Dương có nhiều tiềm năng phát triển giai đoạn hiện nay 4 nhóm sản phẩm, gồm: (1) Nông sản tươi sống, nông sản chế biến; (2) đồ uống; (3) đồ lưu niệm nội thất trang trí (thủ công mỹ nghệ - sơn mài, gốm sứ, mây tre đan…); (4) du lịch cộng đồng (du lịch sinh thái vườn). Trong thời gian tới, chương trình OCOP sẽ khởi động phát triển trên cả 6 nhóm sản phẩm theo định hướng của Trung ương, trong đó có ưu tiên các giải pháp về chuyên gia, kỹ thuật… cho các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của Bình Dương trong 4 nhóm sản phẩm trên.

Đến nay, toàn tỉnh có 3 nhóm sản phẩm đã được cấp huyện đánh giá, phân hạng, bao gồm: (1) Nhóm thực phẩm: Các loại trái cây tươi (cam, quýt, bưởi), gia vị dạng lỏng (tương ớt), nấm bào ngư, sản phẩm trà, cà phê…; (2) nhóm đồ uống có cồn, như: Rượu bưởi, rượu đông trùng hạ thảo; (3) nhóm thảo dược có các sản phẩm tham gia, như: Dạ dày tá tràng, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa.

- Vậy, giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP như thế nào, thưa ông?

- Tổ chức quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP được sự quan tâm của tất cả các bên khi tham gia triển khai chương trình OCOP. Bộ Công thương cũng đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 19- 4-2019 về việc ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020. Trong giai đoạn sắp tới, nội dung này sẽ tiếp tục được sự quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ từ các cấp. Hiện nay, một số hệ thống siêu thị đã tham gia chương trình điểm bán sản phẩm OCOP, trong đó ưu tiên phân phối cho sản phẩm OCOP đã được chứng nhận theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh, sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp ngành công thương quảng bá, giới thiệu thông qua một số hình thức, như: Hình thành điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh; xây dựng chuyên trang website OCOP tỉnh để hỗ trợ chủ thể giới thiệu, bán sản phẩm thông qua web; hỗ trợ thực hiện gian hàng chung của tỉnh tham gia hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh, kể cả hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mục tiêu cụ thể của Bình Dương giai đoạn 2021-2025:

Duy trì chương trình OCOP thường niên (hàng năm) liên tục theo 6 bước tuần tự như sau: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia OCOP thông qua đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh.

THOẠI PHƯƠNG (thực hiện)