Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
(BDO)
Măng cụt - một trong những cây ăn trái chủ lực, nổi tiếng của Bình Dương
Tiềm năng sẵn có
Trên địa bàn tỉnh các sản phẩm tiềm năng thuộc 6 nhóm ngành hàng có khả năng tham gia chương trình OCOP, gồm: Thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến); đồ uống (đồ uống có cồn; đồ uống không cồn); thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu); lưu niệm - nội thất - trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may, đồ lưu niệm, đồ gia dụng); dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch (các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,...).
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ… “Xương sống” của chương trình OCOP là chu trình OCOP thường niên gồm 6 bước, được thực hiện liên tục, lặp đi lặp lại hàng năm. Theo chu trình này, các sản phẩm phải do người dân đề xuất, không phải do cán bộ hay cơ quan hành chính Nhà nước chỉ định. Dựa trên đề xuất của người dân, Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP bắt buộc phải được đánh giá (chấm điểm) và phân hạng sao (1 - 5 sao) theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tích cực phát triển sản xuất, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị tư vấn để xây dựng nhãn hiệu, hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP năm 2020. Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Bảo đảm kế hoạch
Để bảo đảm kế hoạch đề ra, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng chương trình OCOP năm 2020. Theo đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp các sở, ban, ngành tổ chức đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2020 tại tất cả các huyện, thị, thành phố. Đến nay, chi cục phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về chương trình OCOP cho thành viên ban chỉ đạo, hội đồng đánh giá chất lượng sản phẩm, tổ giúp việc cấp huyện… Dự kiến, trong tháng 11, hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện sẽ hoàn thành việc đánh giá sản phẩm; sau đó gửi hồ sơ trình hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng. Đầu tháng 12 sẽ thực hiện đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh.
Ông Văng Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết để hoàn thành mục tiêu có ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện nhiệm vụ của từng cấp. Nhiệm vụ cấp tỉnh: Chỉ đạo xây dựng, triển khai đề án, kế hoạch thực hiện chương trình OCOP; bố trí các nguồn vốn của địa phương, lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện. Huy động các nguồn lực tại địa phương để tổ chức triển khai thực hiện... Nhiệm vụ cấp huyện: Xây dựng kế hoạch cấp huyện để rà soát, tổng hợp danh sách các sản phẩm đăng ký, hỗ trợ phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Triển khai chương trình đào tạo nghề nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện để đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt chuẩn 1 sao và 2 sao, thông báo kết quả đánh giá cho cấp xã và các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn 1 sao, 2 sao để biết và hoàn thiện... Cùng với đó, nhiệm vụ cấp xã, xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát các sản phẩm từ ý tưởng, tính khả thi phát triển sản phẩm có thể đề xuất xếp hạng, xác định nguồn nguyên liệu, lao động, sức mạnh cộng đồng tham gia...
Các địa phương cần xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Các chủ thể cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để nâng cấp sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. UBND các huyện, thị, thành phố cần đôn đốc, chỉ đạo hội đồng đánh giá, xếp hạng loại sản phẩm OCOP cấp huyện tổ chức đánh giá sản phẩm theo đúng quy định, bảo đảm minh bạch, tránh hình thức; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và đơn vị tư vấn để hỗ trợ, tư vấn trong quá trình đánh giá sản phẩm.
THOẠI PHƯƠNG