Chương trình khuyến công: Tích cực hỗ trợ ngành bao bì giấy

Thứ bảy, ngày 09/11/2019

(BDO)

Dây chuyền sản xuất giấy tổ ong của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại He Vi. Ảnh: TIỂU MY

Nguồn hỗ trợ thiết thực

Ông Trần Đỗ Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại He Vi (phường Tân Định, TX.Bến Cát), cho biết công ty được thành lập năm 2010, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất bao bì giấy. Sản phẩm của công ty gồm bao bì giấy, pallet giấy, thanh bảo vệ góc bằng giấy, giấy cứng… Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, công ty quyết định đầu tư sản xuất thêm dòng sản phẩm mới là giấy tổ ong.

Hiện nay, giấy tổ ong được nhiều quốc gia trên thế giới tin dùng và sử dụng rộng rãi, không chỉ bởi tính năng gọn nhẹ, chắc chắn mà còn dễ phân hủy và có thể tái chế 100% thành nguyên liệu sản xuất giấy sau khi sử dụng. Từ đó góp phần thay đổi dần thói quen của khách hàng, hướng đến môi trường sống lành mạnh. “Việc công ty được hỗtrợmua sắm dây chuyền sản xuất 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là nguồn động lực lớn để doanh nghiệp nỗ lực phát triển trong thời gian tới”, ông Bảo nói.

Từ tháng 5-2019, dây chuyền sản xuất mới chính thức đi vào hoạt động, công suất của công ty tăng gấp 2 lần so với khi chưa đầu tư dây chuyền sản xuất. Sau khi đầu tư dây chuyển sản xuất mới, công ty tạo thêm việc làm cho người lao động, bảo đảm tốt hơn các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Công ty cũng sẽ tạo ra dòng sản phẩm mới.

Theo ông Bảo, ngành công nghiệp bao bì đang hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa ra và áp dụng các giải pháp đóng gói của riêng mình để có thể tái sử dụng được. Việc phát triển các bao bì “xanh” không những mang lại hiệu quả về mặt sinh thái môi trường, hạn chế ô nhiễm mà còn góp phần giúp thương hiệu của doanh nghiệp trở nên tốt hơn trong mắt khách hàng.

Ngành bao bì có nhiều cơ hội phát triển

Nhìn nhận về tiềm năng thị trường hiện nay, ông Bảo cho biết với sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn đến Bình Dương đầu tư như Aeon, Lotte, Big C, hay sự phát triển mạnh mẽ của cửa hàng tiện dụng, siêu thị mini như FamilyMart, Co.op Food, Vinmart+, Bách hóa xanh… và thói quen sử dụng sản phẩm đóng gói của người dân nơi đây đã đem lại cho ngành bao bì nhiều cơ hội phát triển.

Có thể nói, bao bì đóng góp một phần quan trọng trong quyết định lựa chọn sản phẩm của người mua. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp bao bì trong nước nhìn chung vẫn nhỏ lẻ, lạc hậu; trình độ quản lý yếu kém; vốn ít và rất khó tiếp cận nguồn vốn vay… Xét về mọi mặt, từ điều kiện sản xuất, kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài đều thể hiện sự vượt trội, lấn lướt; còn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc nhập khẩu… Về mặt quản lý nhà nước, chính sách cho ngành bao bì cũng chưa được chú ý nhiều.

Bình Dương được xem là thủ phủ của ngành chế biến gỗ và gốm sứ xuất khẩu. Hai ngành này sử dụng rất nhiều bao bì giấy. Tại tỉnh, ngành công nghiệp bao bì có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, các ngành sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng và nhiều nhóm ngành khác. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp đang tham gia vào thị trường bao bì với các chủng loại sản phẩm khác nhau như giấy, nhựa, màng kim loại…

Phân khúc thị trường cũng có sự phân chia rõ rệt giữa các doanh nghiệp phục vụ cho đối tượng khách hàng nhỏ lẻ và các doanh nghiệp bao bì có thương hiệu chiếm lĩnh hầu hết nhóm các khách hàng lớn. Chẳng hạn, nhóm chai nhựa PET với những thương hiệu lớn như Nhựa Tân Tiến, Nhựa Rạng Đông… chiếm lĩnh thị phần bao bì nhựa thân thiện với môi trường được dùng trong đóng gói sản phẩm, còn nhóm bao bì giấy cho thị trường sữa, thị phần tập trung vào Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)… vì yêu cầu công nghệ cao.

Những năm qua, thương hiệu Bình Dương đã được nhiều nhà đầu tư biết đến. Tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi, có các chính sách về nhà ở cho người lao động… Do vậy, địa phương đã quy tụ được nhiều lao động ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống, từ đó tạo tiền đề tốt cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, trong đó có ngành bao bì giấy.

Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết sự hỗ trợ phát triển ngành sản xuất bao bì giấy tổ ong phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Đảng và Nhà nước. Thành công của Đề án “Hỗtrợứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất giấy tổ ong” thực hiện tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại He Vi sẽ tạo sức lan tỏa lớn của chương trình khuyến công quốc gia, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội...

TIỂU MY

Từ khóa: