Chương trình khuyến công: Tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn

Thứ ba, ngày 14/12/2021

(BDO) Công tác khuyến công của tỉnh trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực, hướng các nội dung hoạt động nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý.


Lãnh đạo Sở Công thương thừa ủy quyền Bộ Công thương trao giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV cho 7 sản phẩm của Bình Dương

TẠO CHUYỂN BIẾN MẠNH

Tổng kinh phí khuyến công giai đoạn 2016-2020 là 22.335.000 đồng. Thực hiện 139 đề án. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia là 1.800.000 đồng, thực hiện 3 đề án. Kinh phí khuyến công địa phương là 20.535.000 đồng, thực hiện 136 đề án, thu hút lượng vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) gần 100 tỷ đồng.

Nhằm triển khai chương trình khuyến công phù hợp với đặc thù của địa phương, Sở Công thương tham mưu trình UBND tỉnh để có những điều chỉnh chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình thực tế hàng năm UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt chương trình khuyến công để làm căn cứ triển khai thực hiện. Từ đó, công tác khuyến công của tỉnh trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực, hướng các nội dung hoạt động nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020. Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Xa hơn nữa là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra là phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề. Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn.

Nhân dịp này, Bộ Công thương đã tặng bằng khen, ghi nhận thành tích xuất sắc về công tác khuyến công trong giai đoạn 2014-2020 cho 1 tập thể và 2 cá nhân là Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp; ông Nguyễn Văn Quang, nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương; ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp.

Hàng năm, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp thường xuyên tổ chức các hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công; hội nghị tập huấn về công tác khuyến công; qua đó triển khai thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn, đồng thời đánh giá những kết quả tích cực để phát huy, nhân rộng và nắm bắt những bất cập, tồn tại để có những đề xuất, kiến nghị, nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị thụ hưởng đề án khuyến công sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, đúng dự toán và các quy định hiện hành. Phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, giám sát, hạch toán, quyết toán đề án khuyến công; bảo đảm và chịu trách nhiệm pháp lý của hồ sơ, các thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý; báo cáo kết quả thực hiện đề án và quyết toán kinh phí khuyến công theo quy định hiện hành.

Một số địa phương như TP.Thuận An, TX.Bến Cát đã dành ngân sách cấp huyện cho hoạt động khuyến công. Các đơn vị được giao quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công đã bám sát các chế độ, quy định hiện hành để bảo đảm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ và có hiệu quả cao nhất.

NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH

Nhằm đẩy mạnh công nghiệp ở khu vực nông thôn, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp, tăng mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Từ nay đến năm 2025, tổ chức thực hiện các nội dung của hoạt động khuyến công theo các chương trình với mục tiêu hỗ trợ từ 55 - 80 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Hỗ trợ xây dựng từ 5 - 10 mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến sản phẩm mới, công nghệ mới. Tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận cho 66 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Tham gia từ 15 - 25 hội chợ, triển lãm trong nước và hỗ trợ 90 cơ sở CNNT tham gia. Xây dựng từ 15 - 25 phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các cơ sở có sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu; xây dựng 1 phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp tại trung tâm. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu từ 5 - 15 cơ sở CNNT….

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp cho biết qua triển khai thực hiện, các cơ sở sản xuất đã hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động, không ít trong số đó có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu. Qua các năm, kinh phí cho các đề án khuyến công địa phương được nâng lên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại địa phương nên một số đơn vị thụ hưởng không thể chuẩn bị được thủ tục. Năm 2022, trung tâm tiếp tục khắc phục những khó khăn, thách thức, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.

Thời gian tới, Bình Dương mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía bộ, ngành liên quan, tập trung đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và hướng chính sách ưu đãi đầu tư vào việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quản lý, sức cạnh tranh bền vững. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà sản xuất phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang thương hiệu Việt để khẳng định uy tín trên thị trường thế giới.

Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công và trao giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV năm 2021, diễn ra vào sáng 10-12, Bộ Công thương trao giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV. Trong năm 2021, 7 sản phẩm của Bình Dương được bình chọn, bao gồm: Bộ sản phẩm chậu hoa của Công ty TNHH SX-TM XNK gốm sứ Lý Phát, TX.Bến Cát; bộ sản phẩm giỏ xách đan mây tre lá, lục bình, phân xưởng Hợp tác xã Ba Nhất, TX.Tân Uyên; bộ đèn thờ của Cơ sở Gia công tiện chạm mỹ nghệ Đỗ Quân, TP.Thuận An; bộ bàn ghế sofa ghép gốm, DNTN Như Ngọc, TP.Thuận An; bộ sản phẩm dụng cụ nhà bếp của Cơ sở Thớt gỗ Thanh Điền, TP.Thuận An; bộ sản phẩm đúc cơ khí (bánh căng xích, các chi tiết khác của động cơ…) của Công ty TNHH SX DV TM Cơ khí Kim Chung, TX.Tân Uyên; sản phẩm quạt POG 5A của Chi nhánh Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng, TP.Thuận An.

 

TIỂU MY - ANH DŨNG