Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Cơ hội để cùng phát triển
(BDO)
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương phối hợp với UBND huyện Bắc Tân Uyên vừa tổ chức hội nghị triển khai chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp (NH - DN) trên địa bàn huyện. Chương trình kết nối được đánh giá là tạo cơ hội cho DN tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, NH giải phóng nguồn vốn, góp phần duy trì sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Đại diện BIDV - Chi nhánh Bình Dương ký kết biên bản thỏa thuận tăng hạn mức tín dụng với đối tác tại hội nghị Ảnh: T.HỒNG
Chia sẻ khó khăn
Tại hội nghị, NH Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương đã ký kết biên bản thỏa thuận tăng hạn mức tín dụng và phát triển khách hàng mới với 2 khách hàng tại xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên. Những khoản vay này sẽ được giải ngân từ nay đến cuối năm 2014, lãi vay 8%/năm. Đây là một phần trong chương trình cho vay ưu đãi VND đối với khách hàng doanh nghiệp của BIDV - Chi nhánh Bình Dương.
Ông NGUYỄN VĂN ĐÔNG, đại diện Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương: “Với sự trao đổi, thông hiểu lẫn nhau tại hội nghị, chương trình kết nối NH - DN được xem như là cơ duyên của 2 bên để NH tìm kiếm những cơ hội phát triển tín dụng và dịch vụ NH, còn DN dễ dàng tiếp cận vốn để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nhằm giảm bớt khó khăn về vốn, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh”. |
Ông Nguyễn Thạnh Phú Tân Khoa, Phó Giám đốc Phụ trách NH TNHH MTV Shinhan Khu công nghiệp Sóng Thần cũng cho hay, tuy là NH 100% vốn nước ngoài nhưng NH không ngại cho vay đối với tất cả DN tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện tại NH đang có rất nhiều gói cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông thôn, chủ trang trại và việc tiếp cận vốn hiện rất dễ dàng.
Trước đó, vào hạ tuần tháng 9, tại huyện Phú Giáo, 5 DN cùng với 5 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) đã ký kết hỗ trợ vay vốn trực tiếp. Trong đó cho vay mới 2 DN, số tiền cho vay là 5,5 tỷ đồng, lãi suất vay 8% - 8,5%/năm; giảm lãi vay cho 1 DN với số tiền vay 7 triệu USD, lãi suất giảm từ 4%/năm xuống còn 3%/năm; nâng hạn mức tín dụng cho 2 DN, số tiền vay từ 2,5 tỷ đồng nâng lên 3,6 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất cho vay mới của các TCTD đối với các DN trên địa bàn đã giảm 0,5 - 1%/năm so với mặt bằng lãi suất chung. Trong đó, lãi suất vay ngắn hạn phổ biến từ 8 - 9%/năm; trung dài hạn 10 - 11%/năm.
Giúp NH-DN phát triển
Thiếu tài sản thế chấp, NH ngại rủi ro, định giá tài sản thấp, thủ tục pháp lý khắt khe, DN khó có cơ hội tiếp cận vốn NH… Đó là những khó khăn đã được các DN nêu lên tại hội nghị. Một số DN cho rằng, do điều kiện kinh tế khó khăn nên DN mất khả năng thanh toán, nợ xấu NH khó xử lý. Việc mất niềm tin với một số DN cá biệt đã khiến NH khắt khe với nhiều DN.
Ông Phạm Mạnh Cường, chủ trang trại ở xã Tân Định, TX.Tân Uyên đặt vấn đề về tài sản thế chấp là 30 ha cao su nhưng NH chỉ duyệt cho vay 50 triệu đồng. Trị giá giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu vay của DN. Mặt khác, đầu ra sản phẩm chăn nuôi đang giảm, giá thu mua mủ cao su cũng giảm mạnh, trong khi các NH áp dụng mức lãi vay sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi đều ở mức 8%/năm. Mức lãi vay này hiện đang quá cao so với tỷ lệ lợi nhuận ngành chăn nuôi, trồng trọt như hộ gia đình ông. Ông Cường đề xuất, các NH cần căn cứ vào tình hình thị trường, áp dụng mức lãi vay hợp lý cho khách vay trong tùy từng thời điểm. Ngoài ra, NH cần quan tâm, tư vấn nhiều hơn các hộ kinh tế cá thể, tích cực giảm lãi suất vay các khoản cũ cho DN để họ có thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cũng như nhiều DN khác, bà Nguyễn Thị Thắm, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Sản xuất - Xây dựng Tân Thành (xã Tân Định, TX.Tân Uyên) rất phấn khởi khi ký kết thành công tăng hạn mức tín dụng. Bà Thắm cho rằng, hội nghị kết nối NH - DN là dịp để các DN được trình bày tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đến các cấp có thẩm quyền và ngành NH. Tuy nhiên, điều mà chủ DN Tân Thành băn khoăn là yếu tố giá các mặt hàng trên thị trường không ổn định, lúc tăng lúc giảm; trong khi đó, lãi vay vẫn được các NH giữ nguyên nên lợi nhuận kỳ vọng đạt thấp. NH cần xem xét cố gắng giảm hơn nữa lãi suất vay để DN dự báo và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đông, đại diện Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, cho rằng mặc dù lãi suất cho vay trong thời gian qua được các NH thương mại điều chỉnh giảm nhưng DN, nhất là các DN nhỏ và vừa và chủ trang trại ở vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận vốn NH. Ngược lại, NH cũng khó tiếp cận sâu sắc với nhóm đối tượng này, do vướng điều kiện thủ tục vay vốn của các NH. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương nỗ lực kết nối DN với NH nhằm tìm hiểu những nút thắt và tìm cách tháo gỡ, giúp DN có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
THANH HỒNG