Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024
(BDO) Ngày 23-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 để bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trúở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch có nội dung đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Theo đó, chương trình nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2020, ít nhất 75% dân số cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được đăng ký và cấp giấy khai sinh, tỷ lệ này đến năm 2024 là 85%; ít nhất 80% các trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trên lãnh thổ Việt Nam đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận kết hôn, tỷ lệ này đến năm 2024 là 90%. Đến năm 2022, số liệu thống kê hàng năm về tỷ lệ khai sinh (có phân loại theo tuổi của mẹ, giới tính của trẻ, khu vực địa lý, đơn vị hành chính) được lấy từ dữ liệu đăng ký hoặc các nguồn dữ liệu hành chính có giá trị khác. Đến năm 2024, ít nhất 80% các ca tử vong xảy ra ở các cơ sở y tế hoặc có sự theo dõi của nhân viên y tế có giấy chứng nhận về nguyên nhân chính gây tử vong phù hợp với tiêu chuẩn của phân loại bệnh quốc tế (phiên bản mới phù hợp)...
Trên cơ sở Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23- 1-2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 2806/KH-UBND ngày 6-7-2017 về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, gồm 7 nội dung cần phải thực hiện như sau:
(1) Tổ chức khảo sát, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Rà soát quy định pháp luật và các quy định pháp luật liên quan; sơ kết việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành;
(2) Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng bổ trợ, thực hiện hiệu quả công tác đăng ký, thống kê hộ tịch;
(3) Cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; hiện đại hóa phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch;
(4) Các trường hợp tử vong được đăng ký khai tử đều xác định đúng nguyên nhân tử vong, có chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, kể cả các trường hợp tử vong ngoài cơ sở y tế; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử, thu thập và cung cấp dữ liệu sinh, tử;
(5) Nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm trong đăng ký hộ tịch; nhận thức của cơ quan, tổ chức, xã hội về ý nghĩa, vai trò của đăng ký, thống kê hộ tịch;
(6) Thông tin thống kê về hộ tịch được bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhu cầu quản lý của Nhà nước và nhu cầu khai thác, sử dụng của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật;
(7) Nâng dần tỷ lệ đăng ký, xác nhận các sự kiện hộ tịch quan trọng, cơ bản của cá nhân (khai sinh, khai tử, kết hôn, nuôi con nuôi, ly hôn); nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thống kê hộ tịch nhằm bảo đảm số liệu thống kê hộ tịch chính xác, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm tính phổ biến theo lộ trình khuyến nghị của Khung hành động khu vực giai đoạn 2015-2024.
SỞ TƯ PHÁP