Chương trình hàng bình ổn giá: Người tiêu dùng nông thôn vẫn… ngóng chờ!

Thứ sáu, ngày 09/05/2014

Từ năm 2013, Bình Dương hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu, dần hạn chế vốn ngân sách cho doanh nghiệp (DN) vay tham gia chương trình với lãi suất 0%, thời gian triển khai bình ổn gói gọn trong vòng 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tuy vậy, đến thời điểm này, các DN, đơn vị tham gia bình ổn trên địa bàn tỉnh vẫn tích cực tham gia chương trình và bình ổn trọn năm 2014.

Hàng bình ổn phong phú

Tại siêu thị Big C Bình Dương, các mặt hàng chủ lực trong chương trình bình ổn như gạo, dầu ăn, nước giải khát, bột giặt, sữa tắm... mang nhãn hàng riêng Big C, Wow đang được bày bán trong một không gian rộng rãi, hình thức trưng bày từng nhóm ngành hàng rất rõ ràng, khách hàng có thể dễ dàng chọn lựa, so sánh đối chiếu giá cả hàng bình ổn với hàng hóa tiêu dùng thông thường. Chẳng hạn, gạo Wow giá 50.900 đồng/túi, loại 5kg; dầu ăn Big C giá 190.900 đồng/chai, loại 5 lít… Các siêu thị khác như CitiMart, Co.opMart, Vinatex… sản phẩm được bày bán trong chương trình bình ổn giá được các đơn vị cam kết chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín của TP.HCM, Bình Dương, Lâm Đồng…  

Co.opMart Bình Dương bán hàng bình ổn tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng

Là đơn vị tích cực tham gia chương trình bình ổn từ những ngày đầu thành lập (năm 2010), Giám đốc Co.opMart Bình Dương Võ Hữu Thạch, chia sẻ: “Thực tế nguồn vốn lãi suất 0% mà chúng tôi tiếp cận mỗi năm chỉ chiếm phần nhỏ trong nhu cầu vốn của DN, nay nguồn hỗ trợ cũng hạn chế dần đối với các DN tham gia bình ổn nhưng với trách nhiệm xã hội và là một đơn vị kinh tế tập thể, chúng tôi vẫn tham gia tích cực một cách xuyên suốt từ nay đến cuối năm 2014”. Ông Thạch cho biết thêm, Co.opMart cùng với nhà cung cấp xây dựng nguồn hàng trên 11 nhóm mặt hàng bình ổn, tăng 2 nhóm hàng so với năm trước. Từ đó có kế hoạch ứng vốn để các nhà cung cấp, các DN bảo đảm giá không tăng vào những lúc cao điểm.

Tăng cường đưa hàng về nông thôn

Trong 4 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng thiết yếu như dầu diesen, gas đã điều chỉnh giảm nhưng do tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nắng nóng bất thường nên giá nông sản thực phẩm, thực phẩm ở nhiều nơi tăng cao. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả lương thực thực phẩm tại thị trường Bình Dương khá bình ổn.

Theo Sở Công Thương, trong tháng 4, thị trường nhìn chung ổn định, không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá. Các DN tham gia bình ổn thị trường vẫn tiếp tục bán các mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn tại các siêu thị hiện hữu và tổ chức bán hàng lưu động tại các khu, cụm công nghiệp, các xã vùng nông thôn đến cuối năm 2014. Thực tế cho thấy, việc các DN tham gia cung ứng hàng hóa dồi dào, bảo đảm bán với giá đã đăng ký và luôn thấp hơn thị trường từ 5 - 10% đã tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ trương bán hàng bình ổn là hướng mọi người tiêu dùng, đặc biệt là hướng đến vùng sâu vùng xa của tỉnh, tuy nhiên thực tế ở những địa phương càng xa, cơ hội tiếp cận của người dân lại càng khó khăn. Chị Lê Thị Hồng Hoa (ấp Thị Tính, xã Long Hòa, Dầu Tiếng) cho rằng, mặc dù các phiên chợ vui đã đến với bà con nhưng thời gian bán hàng trong vòng 3 ngày là khá ngắn, các gian hàng bình ổn trong phiên chợ vui quá ít so với nhu cầu của bà con. Ngành chức năng, DN cần nghiên cứu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng bình ổn của bà con”.

Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều địa phương chưa xây dựng được điểm bán hàng bình ổn. Cho dù chủ trương bán hàng bình ổn là hướng đến nhân dân nhưng không phải tất cả đều được hưởng ưu đãi từ các điểm bán hàng này. Khó khăn nữa là áp lực khi tham gia chương trình bình ổn giá, trách nhiệm đã cam kết với chính quyền và cộng đồng trong việc bảo đảm nguồn cung ứng có thể đủ sức chi phối thị trường (chiếm 12 - 30% thị trường ngày thường và 30 - 40% trong dịp tết). Cùng lúc đó, DN phải ứng một phần vốn cho các trang trại chăn nuôi, người cung cấp, để ổn định vùng nguyên liệu sản xuất, tránh tình trạng sốt giá bất thường. Trong khi đó, công tác giải ngân nguồn vốn hỗ trợ còn chậm, quy trình ứng vốn chưa hợp lý… Ngành chức năng nên có kế hoạch bài bản cho việc phát triển điểm bán hàng bình ổn. Có như vậy, công tác đưa hàng bình ổn về nông thôn mới ngày càng thiết thực.

• TRÚC HUỲNH