Chương trình “Can thiệp sớm”: Giúp trẻ khiếm thính tái hòa nhập cộng đồng

Thứ sáu, ngày 23/05/2014

Một người chẳng may bị khiếm thính họ phải sống trong thế giới câm lặng, những âm thanh của cuộc sống như là một thứ rất xa xỉ. Họ chỉ có thể nói và hiểu bằng ngôn ngữ ký hiệu, bởi vậy có sự hạn chế nhất định trong giao tiếp hàng ngày với mọi người xung quanh. Không những thế, mặc cảm với khiếm khuyết trên cơ thể sẽ dễ dàng làm họ thu mình, sống khép kín và tự ti về bản thân.

   Với trang thiết bị đầy đủ, các thầy cô ở trung tâm cố gắng giúp trẻ khiếm thính giao tiếp bình thường

Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, những trẻ bị điếc có thể được phát hiện rất sớm - độ vài ba tháng tuổi. Sau khi thăm khám các em sẽ được đeo máy trợ thính thích hợp với độ mất thính lực của mình, bắt đầu chương trình CTS. Cùng với sự giúp đỡ của gia đình và giáo viên dạy nghe - nói, những đứa trẻ này dần thoát khỏi số phận bị khiếm thính. Điều này có nghĩa trẻ sẽ được tiếp cận đầy đủ với âm thanh lời nói sớm. Đây là điều kiện rất cần thiết để trẻ có thể nói và hòa nhập với cộng đồng người nghe - nói bình thường.

Tại Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An, chương trình CTS bắt đầu được triển khai từ năm 1993 nhưng thật sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả từ năm 2010. Cô Nguyễn Thanh Thu Thủy, Giám đốc trung tâm kể: “Điều thành công nhất của trung tâm chính là đã vận hành thành công chương trình CTS. Tôi được học chương trình này từ năm 1992, đến năm 1993 thì bắt đầu thực hành thử nghiệm nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan như: trẻ không được phát hiện sớm, phụ huynh chưa thật sự đầu tư công sức vào thời gian cho con, bản thân tôi lại chưa có kinh nghiệm nhiều về can thiệp sớm… nên chúng tôi đã không đạt nhiều thành công như hiện nay.

Mãi đến năm 2009, tình cờ tôi quen được cô nhà văn người Mỹ (cô Paige Stringer), cô ấy bị điếc sâu (độ 4) mà sao tôi thấy cô ấy vẫn nói chuyện được bình thường. Cô bảo cô được học chương trình CTS. Tôi tâm sự với cô rằng, tôi làm việc ở trung tâm này hơn 25 năm nhưng trung tâm chưa từng đào tạo được người điếc sâu nào có thể nghe - nói tốt như cô. Biết được ước mơ và trăn trở của tôi là muốn có được những học sinh điếc có thể nghe - nói như người bình thường, cô nhà văn người Mỹ sau đó thành lập Quỹ Toàn cầu dành cho trẻ khiếm thính (Global Foundation For Children With Hearing Loss) và chính cô đã giúp đỡ đưa chương trình CTS của trung tâm đến sự thành công như ngày hôm nay.” Cũng theo cô Thủy, một trong những nhân tố dẫn đến sự thành công của chương trình CTS chính là sự hợp tác của phụ huynh, làm sao phát hiện ra con mình bị điếc càng sớm càng tốt, tốt nhất là dưới 1 tuổi. Chính lúc phát hiện sớm như vậy thì trẻ được thăm khám kịp thời để mang máy trợ thính phù hợp và kết hợp phương pháp dạy tốt sẽ giúp trẻ nói được.

Ở trung tâm Thuận An, chương trình CTS được thực hiện trong một khu riêng biệt để dạy trẻ với sự tài trợ kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ Tổng lãnh sự quán Nhật Bản cộng với hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Mục tiêu của giáo viên là sau chưa đầy một năm thì trẻ có thể nói được những từ đầu tiên.

 LAN HƯƠNG