Chương trình bình ổn thị trường năm 2012: Giúp dân mua sắm các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ

Thứ ba, ngày 07/08/2012

Nhằm bảo đảm cán cân cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, từ năm 2011 tỉnh Bình Dương bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn giá cả thị trường. Hàng chục doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã tham gia chương trình, góp phần giúp người dân trong tỉnh mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống với giá rẻ hơn từ 10 - 15% so với giá cả thị trường...

Những thành tựu và hạn chế

Năm 2011, Sở Công Thương đã phối hợp cùng các ngành có liên quan, UBND các huyện và một số DN đã triển khai thực hiện chương trình với doanh thu hàng hóa đạt 456,05 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch (không tính xăng dầu). Các siêu thị CitiMart, Co.opMart và Vinatex đã tổ chức triển khai bán hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại siêu thị và lưu động đến tận các xã, phường, thị trấn ở các huyện thị, khu cụm công nghiệp (CN), đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân với giá thấp hơn giá cả thị trường từ 10 - 15%. Riêng mặt hàng gạo, Tổng Công ty TM-XNK Thanh Lễ tổ chức mạng lưới bán lẻ trên địa bàn các huyện, thị, giảm giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thị trường và luôn bảo đảm mức dự trữ 5.000 - 7.000 tấn với giá trị thực hiện 22 tỷ đồng. Mặt hàng sách giáo khoa, tập vở, dụng cụ học sinh được 2 DN là Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục và Công ty Cổ phần Văn hóa Tổng hợp Bình Dương tổ chức bán hàng tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện bán thuốc trị bệnh thông thường sản xuất trong nước được 7 nhà thuốc ở 7 huyện, thị và Công ty Cổ phần Dược Becamex thực hiện khá tốt. Đối với mặt hàng xăng dầu, Công ty TM-XNK Thanh Lễ và Công ty TNHH Xăng dầu Sông Bé cũng đã bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho tất cả các đại lý, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Đặc biệt, về công tác giải ngân, Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương đã ưu đãi giải ngân, lãi suất 0% cho các DN tham gia bình ổn số tiền 89,30 tỷ đồng, đạt 72,14% kế hoạch.

 Sắp xếp hàng bình ổn giá phục vụ người tiêu dùng tại Siêu thị Vinatex Dĩ An

Nhìn chung, chương trình bình ổn thị trường đã góp phần đáp ứng được nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân. Các cấp, các ngành, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên về giá cả, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm tra hàng hóa tại các kho, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các DN tham gia chương trình... Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh không xảy ra biến động lớn về giá cả, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa giả tạo.

Tuy nhiên, chương trình bình ổn thị trường vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Trước hết là các DN tổ chức rất ít điểm bán hàng bình ổn. Trong năm qua, chỉ tổ chức thực hiện được 68/82 điểm đã chọn và thời gian bán hàng rất ngắn (từ 1 - 2 ngày). Về chủng loại, các mặt hàng bán ở vùng nông thôn chưa phong phú. Một số mặt hàng bán không đúng với giá được phê duyệt, kế hoạch bán hàng còn thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho công tác quản lý. Một số địa phương chưa thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết về chương trình, nên số người dân chưa được thụ hưởng chương trình còn cao. Đối với mặt hàng sách vở, dụng cụ học sinh, chỉ bán hàng giới hạn tại 29 điểm thuộc các trường học ở các huyện, thị xã mà chưa triển khai đến các trường vùng sâu, vùng xa.

Giải pháp để thực hiện tốt hơn

Tiếp tục phát huy những mặt đã làm được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường năm 2012 (từ 1-4-2012 đến 1-4-2013), mục đích là giữ vững mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu; tăng thêm số điểm, số lần bán hàng, số lượng chủng loại mặt hàng thiết yếu ở các điểm bán hàng lưu động; tổ chức tốt công tác tuyên truyền; củng cố hệ thống phân phối từ huyện, thị xã, vùng nông thôn, các khu cụm CN và chợ truyền thống. Cùng với đó là lồng ghép thực hiện tốt chương trình “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” và tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Theo kế hoạch này, tổng giá trị dự trữ hàng hóa bình ổn đến hết 1-4-2013 là 485,6 tỷ đồng (không tính xăng dầu). Trên cơ sở đăng ký kế hoạch dự trữ hàng hóa, các DN tham gia bình ổn có nhu cầu vay vốn ưu đãi với lãi suất bằng 0, ước tính số vốn 153,5 tỷ đồng. Một số DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường nhưng không sử dụng vốn vay ưu đãi là Metro Cash&Carry, Công ty Xăng dầu Sông Bé và Công ty TNHH Phạm Tôn chuyên cung ứng mặt hàng thịt gia cầm.

Để khắc phục những hạn chế của chương trình trong các năm trước, UBND tỉnh cũng đã đề ra giải pháp tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng. Theo đó, Sở Công Thương có trách nhiệm dự báo tình hình cung - cầu thị trường hàng hóa, xây dựng và tổng hợp kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường nhằm bảo đảm giá cả phù hợp. Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng làm phương hại đến lợi ích người tiêu dùng; xử lý các hành vi vi phạm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng quá hạn sử dụng và việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Đối với các DN tham gia chương trình, ngoài việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả đúng hạn, phải đáp ứng nhu cầu bán hàng giá rẻ phục vụ nhân dân. Để người dân được thụ hưởng chương trình, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các điểm bán hàng cố định và lưu động phải treo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung: “Gian hàng chương trình bình ổn thị trường”.

Sở Công Thương cho biết, thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường, từ  đầu tháng 5-2012 các đơn vị tham gia chương trình đã triển khai bán mặt hàng sách giáo khoa, tập vở và dụng cụ học sinh tại 75 điểm trường học trên địa bàn. Mặt hàng lương thực, thực phẩm được triển khai tại các siêu thị với giá bán lẻ đã được phê duyệt. Riêng mặt hàng thịt gia cầm, Công ty TNHH Phạm Tôn tổ chức bán hàng lưu động tại các khu cụm CN và các chợ truyền thống. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để thống nhất chọn từ 82 - 100 điểm tại vùng nông thôn, các khu cụm CN để tổ chức triển khai đưa hàng hóa về nông thôn.

BẢO ANH