Chương trình bình ổn giá vào dịp cuối năm: 5 nhóm giải pháp và 6 mặt hàng thiết yếu
Với 5 nhóm giải pháp cùng các biện pháp bình ổn thị trường thiết thực, hy vọng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến khi nhu cầu mua sắm tết bắt đầu tăng cao.
Hiệu quả
Năm hết, tết đến cũng là lúc trên thị trường có rất nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá. Song kết quả chương trình bình ổn thị trường trong và sau Tết Canh Dần 2010 của Bình Dương đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Được Nhà nước hỗ trợ vốn vay 40 tỷ đồng, lãi suất 0%, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn đã chủ động dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ tết bảo đảm đủ về lượng và chủng loại phục vụ cho nhu cầu mua sắm tết của nhân dân. Mặc dù hiện giá một số mặt hàng tại các chợ đang tăng lên nhưng các DN tham gia bình ổn thị trường vẫn giữ mức giá như đã đăng ký.
Chương trình bình ổn giá được người tiêu dùng rất quan tâm và kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực
Tính đến 15-3-2010, các DN đăng ký bán lẻ giá sỉ đối với một số mặt hàng thiết yếu tại siêu thị vẫn ổn định giá và một số sản phẩm có xu hướng giá thấp hơn từ 500 - 20.000 đồng so với thị trường tự do như gạo, đường, dầu ăn, heo, bò... Cùng với việc bình ổn giá, các DN cũng tham gia công tác bán hàng lưu động phục vụ nhân dân 12 xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện phía Bắc của tỉnh với tổng giá trị hàng hóa gần 4,1 tỷ đồng. Trong thời gian qua, cũng đã có một số thành công trong công tác điều hành, ổn định giá. Chẳng hạn, Sở Công Thương (SCT) có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc kiểm soát giá cả, ATVSTP, đo lường chất lượng... nên đã có tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường tự do ổn định không tăng giá đột biến.
Tránh “cú sốc” về giá
Nhận định về tình hình giá cả trong dịp cuối năm, Trưởng phòng Giá công sản Sở Tài chính tỉnh Bình Dương Vương Văn Năm cho rằng, theo quy luật hàng năm giá cả sẽ tăng dần dần cho đến tết, riêng năm nay thì đáng lo hơn các năm trước, do biến động của giá vàng và ngoại tệ, USD trong thời gian qua đã khiến các mặt hàng nhập khẩu tăng giá mạnh. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm trong nước bị giảm sút do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh kéo dài... Tuy nhiên, để chương trình bình ổn phát huy hiệu quả, theo ông Năm là cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các cam kết của các DN tham gia bình ổn, cung ứng hàng hóa, kiểm soát chặt về diễn biến thị trường, giá cả, rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa phục vụ tết để kịp thời có biện pháp xử lý hiện tượng hàng hóa bị khan hiếm đột biến, tư thương lợi dụng đẩy giá bất hợp lý.
Bàn về vấn đề có hay không nguồn cung đường bị thiếu hụt tại một số siêu thị trong 2 tuần trước, nhiều người tiêu dùng phải chen chúc nhau để mua đường và siêu thị đưa ra chính sách mỗi khách hàng chỉ được mua 2kg đường/lần. Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư lo ngại, biết rằng các siêu thị áp dụng vậy là nhằm tránh việc tiểu thương bán lẻ gom hàng đầu cơ, song hình ảnh mua đường như thời bao cấp làm nhiều người lầm tưởng khan hàng và càng gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong khi nguồn đường dự trữ vẫn rất dồi dào để cung ứng cho thị trường ngay khi sức mua tăng cao.
Theo vị này, trong thời điểm này, giá đang là vấn đề hết sức nhạy cảm, có tác động mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người dân, chỉ một chút “khác thường” sẽ gây ra những bất ổn thị trường không đáng có. Do đó, Nhà nước nên chủ động thông tin kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách và phương thức bán hàng hợp lý mỗi khi thị trường xuất hiện vấn đề thì giá của các mặt hàng được bình ổn sẽ lan tỏa sang giá các mặt hàng khác. Mặt khác, các siêu thị cũng cần tăng cường tính chủ động và thực hiện nhiều chương trình khuyến mại góp phần làm giảm cơn sốt về giá, đồng thời tăng sức cạnh tranh với thị trường bên ngoài.
Triển khai 5 nhóm giải pháp
Nhằm bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm, SCT vừa triển khai kế hoạch hàng hóa phục vụ tết với tổng trị giá hơn 227 tỷ đồng, tập trung cho 4 DN tham gia bình ổn các mặt hàng thiết yếu.
SCT cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp với 6 mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình giá cả thị trường, hàng hóa thiết yếu nhằm giúp Tổ Điều hành ổn định thị trường tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh những chính sách, cơ chế góp phần bình ổn thị trường; tiếp tục xây dựng kế hoạch về chương trình bình ổn trên thị trường Bình Dương trong những quý tiếp theo, khuyến khích DN tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá, tại các siêu thị, TTTM, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể; kiểm tra, khuyến khích các đơn vị tham gia bình ổn tăng cường tích trữ, chủ động tạo nguồn hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm theo kế hoạch đã đăng ký nhằm thực hiện tốt chính sách kìm giá; cuối cùng là cung cấp phổ biến thông tin và tuyên truyền.
Trên cơ sở 5 nhóm giải pháp trên, sở sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ngoài những nội dung trên, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Giám đốc SCT Nguyễn Thị Điền cũng khẳng định, người tiêu dùng yên tâm với sự chỉ đạo của Nhà nước, không nên hoang mang dao động, không nên mua hàng dự trữ gây xáo trộn và bất ổn cho thị trường, tạo điều kiện cho gian thương, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức. Việc tổ chức chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm là nhằm cung ứng cho thị trường lượng hàng dồi dào, bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp.
TRÚC HUỲNH