Chương trình bảo vệ môi trường: Vì sự phát triển bền vững

Thứ năm, ngày 25/06/2015

Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học là 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình số 23- CTr/TU của Tỉnh ủy ngày 23-8-2011 về bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 đề ra. Sau thời gian thực hiện, chương trình đã ảnh hưởng trực tiếp đến từng doanh nghiệp, người dân và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

(BDO)

 Hệ thống xử lý nước thải tự động tại KCN Việt Nam - Singapore

Để phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, thời gian qua, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường. Từ năm 2011 đến nay, ngành tài nguyên và môi trường đã phối hợp tổ chức hơn 150 lớp tập huấn về BVMT cho cán bộ trong ngành, cán bộ của các hội và đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời với việc công bố Sách xanh, vinh danh các cá nhân, cộng đồng có thành tích xuất sắc trong công tác BVMT... đã góp phần tích cực cho việc nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về BVMT, từ đó nâng cao hiệu quả phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với BVMT cũng được Bình Dương quan tâm giải quyết hài hòa. Theo bà Nguyễn Trình Cao Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Bình Dương đã ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, đô thị; quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh đã sàng lọc, không thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hạn chế bố trí các cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Nam Bình Dương, qua đó góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa ô nhiễm và hạn chế phát sinh mới các khiếu kiện, điểm nóng về môi trường.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát môi trường cũng được tăng cường và thực hiện thường xuyên. Hơn 4 năm qua, các cấp đã tiến hành thanh kiểm tra 4.545 đơn vị, xử phạt vi phạm 1.315 đơn vịvới sốtiền trên 30 tỷ đồng. Công tác quan trắc giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn luôn được tỉnh chú trọng. Bình Dương đã đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động, camera giám sát và thiết bị lấy mẫu tự động. Hệ thống đã giám sát được 52 nguồn thải lớn với tổng lưu lượng 97.000m3/ngày đêm, giúp kiểm soát liên tục hơn 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn.

Cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác BVMT. Để có cơ sở thực hiện, hàng năm, Bình Dương đều ban hành danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường để tập trung xử lý. Đến nay, có 263/269 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm, đạt 97,8%. Một sốđiểm bức xúc vềmôi trường như hệ thống thoát nước Khu công nghiệp Việt Hương, tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò... đã được tỉnh quan tâm xử lý kịp thời. Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đô thị cũng được thực hiện. Đến nay, Bình Dương đãdi dời hoặc buộc chấm dứt hoạt động sản xuất, xử lý dứt điểm được 30/33 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đô thị, đạt 91%. Song song đó, Bình Dương đã triển khai thực hiện 13 dự án BVMT, trong đó có 8 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 5 dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình BVMT ở Bình Dương đã mang lại những kết quả tích cực. Kết quả có ý nghĩa quan trọng nhất là nhận thức, trách nhiệm và hành động về BVMT đã có sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư. Việc khuyến khích đầu tư vào khu, cụm công nghiệp và đầu tư chọn lọc trên địa bàn phía Nam của tỉnh, đã góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, từng bước chủ động khống chế và kiểm soát ô nhiễm.

Thông qua chương trình, hiệu lực và hiệu quả quản lýNhà nước về BVMT ngày càng nâng lên. Việc đầu tư các dự án về môi trường một cách tập trung, đồng bộ, hiệu quả đã có tác dụng giải quyết kịp thời các bức xúc. Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường những năm qua cho thấy, chất lượng nước các sông Đồng Nai, Sài Gòn và các kênh, rạch trong đô thị có xu hướng giảm thiểu ô nhiễm so với năm 2010, chất lượng không khí tiếp tục giữ vững và đạt tiêu chuẩn môi trường; việc khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản và nước dưới đất theo đúng quy hoạch đã hạn chế được sự lãng phí tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực môi trường ngày càng tăng; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng khoa học, hợp tác quốc tế và khu vực được chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ. Đến năm 2014, một số chỉ tiêu đã đạt 100% mục tiêu đề ra, như: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn y tế; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Các mục tiêu còn lại, như tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ độ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm cũng được xác định sẽ hoàn thành trong năm 2015.

Để sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương và phấn đấu đến năm 2020 là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng, Bình Dương đã và đang phấn đấu giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững, đồng thời hướng tới thành phố xanh vào năm 2030. Muốn làm được điều đó, Bình Dương xác định trong công tác BVMT phải lấy phòng ngừa là chính, đi đôi với kiểm soát, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

 

 HỒNG NGỌC