Chuỗi bán lẻ cạnh tranh bằng ẩm thực Việt

Thứ tư, ngày 21/06/2017

(BDO) Có mặt tại cửa hàng 7-Eleven trong ngày khai trương, chúng tôi chứng kiến dòng người kiên nhẫn xếp hàng vào mua sắm rồi chờ đến lượt tính tiền, trên tay thường cầm một loại nước uống hay thức ăn chế biến sẵn.

Những ngày sau, hiện tượng ấy tiếp tục lặp lại, chúng tôi dần hiểu ra lý do chuỗi bán lẻ lớn thứ 2 thế giới đã công phu chuẩn bị thực đơn với khoảng 100 món ăn thuần Việt để bán tại cửa hàng của mình.

Đáp ứng nhu cầu đa dạng

Tại 7-Eleven, những món ăn rất quen thuộc như thịt kho trứng, xíu mại, bò kho, gà xé phay, rau xào, gỏi cuốn, bánh cuốn, bánh mì thịt, bún thịt nướng, bắp xào, hột vịt lộn xào me, bánh mì sandwich, bánh ngọt, chè các loại… được đóng gói sẵn để phục vụ theo nhu cầu đa dạng của khách hàng. Thực đơn ở đây thường xuyên thay đổi, giá bán dưới 50.000 đồng/món có sức hút mạnh mẽ khách hàng.

Theo ông Vũ Thanh Tú, CEO 7-Eleven tại Việt Nam, hệ thống này tạo sự khác biệt bằng sản phẩm ẩm thực ngon. Đây là một trong những chiến lược của 7-Eleven tại Việt Nam, tập trung khai thác nhu cầu ăn uống của giới trẻ.


Quầy thực phẩm tươi của 7-Eleven luôn thu hút khách hàng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi có mặt tại Việt Nam trễ nhất tính tới thời điểm này và cũng không phải là chuỗi đầu tiên đầu tư cho mảng ẩm thực. Trước đó, nhiều chuỗi khác như Ministop, Family Mart, Circle K… cũng bố trí, mở rộng không gian ăn uống, phục vụ các món sushi, lẩu, mì xào, thực phẩm chiên, bánh bao, bánh giò, kem tươi, bánh mì sandwich, bánh su kem… Một số cửa hàng của Circle K còn bán cơm tự chọn gồm những món phổ biến, đơn giản. Không quá đông khách đổ dồn đến mua sắm đến mức trở thành một hiện tượng như 7-Eleven nhưng doanh thu từ mảng thực phẩm tại các cửa hàng này cũng khá lớn.

Trong nước có chuỗi Vinmart+ (kết hợp giữa minimart và cửa hàng tiện lợi) sau 2 năm hoạt động đã có hơn 900 cửa hàng và có kế hoạch mở thêm hơn 1.000 cửa hàng trong năm 2017-2018. Theo xu hướng chung, Vinmart+ đang tiến tới bổ sung các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn… thương hiệu VinMart Cook.

Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food - đơn vị cung cấp khoảng 50 món ăn cho 7-Eleven, cho biết sức tiêu thụ thực phẩm tươi tại cửa hàng 7-Eleven trong mấy ngày qua vượt kỳ vọng của 2 bên. Saigon Food phải đẩy mạnh sản xuất, giao hàng 3 lần/ngày (kế hoạch chỉ giao một lần/ngày) mới đủ để hệ thống này bán cho khách. "Công bằng mà nói, sản phẩm không quá xuất sắc vì không sử dụng bột ngọt, bột nêm. Cũng có ý kiến khen chê sản phẩm nhưng nhờ thương hiệu 7-Eleven, sự mới lạ và quan trọng là bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nên người dùng an tâm" - bà Lâm nói.

Không bằng Saigon Food về thực phẩm tươi nhưng một số doanh nghiệp (DN) trong nước từ vài năm qua đã âm thầm trở thành nhà cung ứng sản phẩm, cùng mở rộng, cùng phát triển với các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) có ưu thế về bánh ngọt, bánh mì; Công ty Đại Phát với bánh giò, bánh bao; Công ty Huy Việt Nam tập trung một số loại bánh… đã trụ khá tốt trong nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi. Không tiết lộ cụ thể doanh thu từ mảng gia công cho các chuỗi cửa hàng này nhưng theo các DN, doanh thu bán hàng cho các cửa hàng tiện lợi tăng nhanh theo tốc độ mở chuỗi và nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh thu tăng đột biến trong năm 2016 do có sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, khách hàng trẻ tăng mua sắm các mặt hàng thực phẩm tại cửa hàng tiện lợi.

Cơ hội cho nhà cung cấp Việt

Bà Lâm nhìn nhận người tiêu dùng Việt có nhu cầu rất lớn về thực phẩm sạch trong khi cửa hàng tiện lợi có nhiều lợi thế kinh doanh mặt hàng này nhưng lâu nay vì nhiều lý do mà các chuỗi chưa mặn mà. "Để cung cấp hàng cho 7-Eleven và chuẩn bị cho sự thâm nhập các hệ thống cửa hàng tiện lợi, Saigon Food đã đầu tư dây chuyền làm sản phẩm tươi công suất 100.000 suất ăn/ngày. Trước khi hợp tác với 7-Eleven, chúng tôi đã cung cấp nguyên liệu nấu lẩu và nước dùng lẩu cho các cửa hàng Circle K, Family Mart, B’s Mart… và đặt vấn đề làm thực phẩm tươi nhưng họ chần chừ. Nay 7-Eleven bán thực phẩm tươi và được thị trường đón nhận, một số chuỗi quay lại yêu cầu chúng tôi gia công thực phẩm tươi cho họ" - bà Lâm nói.

Tính đến tháng 4-2017, Việt Nam có khoảng 1.600 cửa hàng thực phẩm tiện lợi của 10 thương hiệu lớn. Số cửa hàng mới được bổ sung liên tục do các chuỗi không ngừng mở rộng để giành thị phần, thay thế dần siêu thị bán lẻ truyền thống do người Việt ngày càng ưa thích sự tiện lợi hơn. Các DN dự đoán sau "cú hích" của 7-Eleven, các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác tại Việt Nam sẽ đầu tư nhiều hơn cho mảng ẩm thực. Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, cũng như những đối tác nước ngoài khác, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đòi hỏi rất nghiêm ngặt về kinh nghiệm làm hàng gia công; kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, điều kiện nhà xưởng và đặc biệt là liên tục đổi mới, thường xuyên ra sản phẩm mới theo thị hiếu của khách hàng trẻ. Bên cạnh đó, khâu logistics cũng rất quan trọng, 2 bên phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, từ nhận đơn hàng đến tổ chức sản xuất, giao hàng để đáp ứng đơn hàng cả về thời gian, sản lượng cung cấp. Ngược lại, việc trở thành nhà cung cấp cho các chuỗi uy tín, ngoài chuyện mang lại doanh thu cao, DN còn được gia tăng thương hiệu. Điển hình như ABC Bakery đã phát triển vượt bậc sau khi trở thành nhà cung cấp bánh cho các chuỗi thức ăn nhanh, cửa hàng tiện lợi. Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery, thừa nhận việc trở thành nhà cung ứng cho các DN lớn giúp ABC Bakery phát triển nhanh, bền vững do không phải cạnh tranh trực tiếp mà trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của những hệ thống này, chuỗi lớn tới đâu thì ABC Bakery phát triển theo tới đó.

Theo NLĐ