Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ sáu, ngày 10/08/2012

Chiến tranh đã đi qua, nhưng di chứng chất độc da cam (CĐDC)/ dioxin vẫn còn đó. Cùng với cả nước, 850 nạn nhân CĐDC ở Bình Dương luôn được xã hội quan tâm, góp phần vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Phạm Ngọc Thái tặng quà cho nạn nhân Võ Thị Kim Hương, khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu

Nỗi đau da cam

Giờ đây, gia đình thương binh 3/4 Nguyễn Quang Trung (phường Bình Hòa, TX.Thuận An) vẫn hằn sâu theo năm tháng vì di chứng CĐDC để lại. Sau thời gian hy sinh tuổi xuân cho đất nước, ông Trung trở về quê hương khi nước nhà độc lập. Niềm vui ấy không được bao lâu thì ông phải đối mặt với đau khổ - người con út của ông, anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1986) phải sống với căn bệnh thiểu năng trí tuệ, chân tay teo tóp do ảnh hưởng của CĐDC... Chứng kiến cảnh đứa con mãi “ngây thơ” không phát triển bình thường, ông Trung ngậm ngùi: “Nhìn con có lớn nhưng không có khôn như các bạn bè đồng trang lứa tôi buồn lắm. Ước gì tôi có thể mang thay căn bệnh đó để con được mạnh khỏe, sống có ích cho xã hội”.

Hay như bà Kim Thị Hường, ngày chúng tôi đến thăm, chứng kiến cảnh trong căn nhà nhỏ trên chiếc giường ẩm thấp, bà Hường, mẹ nạn nhân da cam Võ Thị Kim Hương (ngụ tại 272, khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) nhẹ nhàng chăm sóc cô con gái với cơ thể teo tóp. Ở độ tuổi 28, nếu là người bình thường chắc hẳn chị Hương có cuộc sống hạnh phúc, thế nhưng CĐDC đã cướp đi tất cả niềm hạnh phúc của chị, niềm vui của gia đình. Bên tiếng rên rỉ vì đau đớn của con, bà Hường rưng rưng nước mắt, kể: Ông Võ Thành Bạc - chồng bà từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và là thương binh 1/4. Sau khi sinh bé được 4 năm, chồng qua đời để lại cho bà gánh nặng nuôi con bệnh tật. Kể từ đó, bà vừa bán vé số, vừa chăm sóc con.

Và gia đình bé Huỳnh Thị Hà Xuyên ở xã Tân Bình (Tân Uyên) còn thương tâm hơn. Vào buổi trưa nắng gắt, hình ảnh người cha Huỳnh Văn Khoa và đứa con gái Huỳnh Thị Hà Xuyên là NNCĐDC bò lết trên nền nhà vì không thể đi lại, không tự chăm sóc bản thân. Anh Khoa cho biết, do anh bị di chứng của CĐDC nên khi sinh ra Hà Xuyên đã bị khuyết tật bẩm sinh. Cơ thể tí hon, nhưng Hà Xuyên đã trở thành tấm gương đầy nghị lực “tàn nhưng không phế”. Với thành tích học tập 9 năm liền khá, giỏi, Hà Xuyên mơ ước có thể trở thành nữ đồ họa để lo cho cha mẹ, cho em và những người nghèo cùng cảnh ngộ. Hà Xuyên tâm sự: “Khi sinh ra em đã là gánh nặng của gia đình. Giờ để thực hiện được ước mơ của em, ba mẹ sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Do đó, em rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía các Mạnh Thường Quân để em có thêm nghị lực bước tiếp con đường mình đã chọn”.

Hết lòng vì con, vì cháu, nhưng đối với mỗi thân nhân nạn nhân, họ luôn trăn trở: Một mai sức khỏe họ yếu đi, hay lìa đất xa trời những đứa con, đứa cháu họ sẽ ra sao? Do đó, họ cần lắm, cần lắm những tấm lòng vàng để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp họ vơi đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Cùng chung xoa dịu nỗi đau

Để góp phần cùng cộng đồng chung tay chăm sóc, xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân da cam, từ ngày thành lập (năm 2007) đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã tuyên truyền và vận động xây dựng Quỹ NNCĐDC/dioxin bằng cách thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ quỹ và những gương điển hình vượt khó vươn lên sống, lao động của các nạn nhân.

Kết quả những năm qua, hội đã vận động xây tặng 5 căn nhà “Đại đoàn kết” cho nạn nhân với số tiền gần 65 triệu đồng, hỗ trợ tiền tết và kỷ niệm “Ngày vì NNCĐDC/dioxin” hàng năm gần 519

triệu đồng, hỗ trợ học sinh, sinh viên 2 triệu đồng, tổ chức đoàn đi thăm NNCĐDC/dioxin các địa phương. Riêng trong năm 2012, hội đã thông báo, phổ biến các văn bản chiêu sinh, chế độ, chính sách xuống các địa phương, tạo điều kiện cho nạn nhân còn khả năng tiếp xúc, học tập luyện tay nghề; hỗ trợ cho 87 nạn nhân khó khăn bệnh tật số tiền là 26 triệu đồng dịp tết 2012; vận động thành lập 6/7 huyện, thị, thành hội NNCĐDC/dioxin.

Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Phạm Ngọc Thái, cho biết: Để tiếp tục giúp đỡ NNCĐDC vơi bớt khó khăn, hòa nhập cộng đồng, Tỉnh hội sẽ củng cố tổ chức các hội đã thành lập và thống nhất các chương trình hành động từ tỉnh xuống huyện, thị xã, thành phố; tăng cường phối hợp tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, quần chúng xã hội nhận thức về công tác giúp đỡ NNCĐDC/dioxin trong tỉnh; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ các nạn nhân về vật chất và tinh thần; liên hệ với các địa phương, cơ quan để làm thủ tục hồ sơ làm nhà, sửa chữa nhà giúp các gia đình nạn nhân gặp khó khăn về nhà. Bên cạnh đó, Tỉnh hội sẽ liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dạy nghề, tạo điều kiện giúp đỡ các nạn nhân còn sức lao động có việc làm ổn định...

T.Lý - T.Phương