Nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ Bình Dương:
Chung tay vì sự phát triển đờn ca tài tử Bình Dương
(BDO) Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 diễn ra được 3 ngày nhưng để đón ngày hội lớn này người mộ điệu, các nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Bình Dương đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Họ hy vọng được mang tiếng hát, lời ca phục vụ khán giả, góp phần phát triển nghệ thuật tài tử trong nhân dân, nhất là các bạn trẻ.
Tích cực tham gia các hoạt động
Đến với không gian ĐCTT của Bình Dương những ngày này, chúng tôi mới thấy hết được tình yêu của các nghệ sĩ, nghệ nhân dành cho loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Mỗi tối khi ánh đèn bật lên cũng là lúc các tài tử đờn, tài tử ca trong tỉnh tập trung về với không gian ĐCTT. Tại đây, họ vui vẻ, hạnh phúc khi được đờn, hát phục vụ du khách tham quan. Không những vậy những ai muốn được tìm hiểu về ĐCTT, được ca thử một vài câu trong các bài bản tổ đều được các “lão làng” hướng dẫn rất nhiệt tình. NNƯT Thu Hồng chia sẻ: “Được ca hát là niềm vui của chúng tôi. Do đó khi được phụ trách không gian ĐCTT, chúng tôi chia nhau để đêm nào cũng có đông nghệ sĩ phục vụ du khách. Và khi biểu diễn, ai cũng “cháy” hết mình để tiếng đờn, lời ca bay cao bay xa chạm vào trái tim những người chưa biết đến ĐCTT”.
Ngoài tham gia không gian ĐCTT, các nghệ sĩ, NNƯT Bình Dương còn tham gia Hội thi nghệ thuật ĐCTT. Tham gia hội thi đoàn Bình Dương có chủ đề “Tự hào cung điệu quê hương” với 6 tiết mục: các bài ca “Tự hào cung điệu quê hương”, “Nhớ ơn Bác Hồ”, “Sức sống quê tôi”, “Bình Dương ngời sáng niềm tin” và hòa tấu, độc đấu đờn kìm. Trong đó tài tử ca có NNƯT Thu Hồng, nghệ sĩ Kiều Oanh, Bích Trâm, Thanh Thảo, Trần Phong, Thanh Phong; tài tử đờn có Tấn Thành (đờn kìm), Hoàng Tính (đờn cò), Văn Thanh (đờn tranh), Quốc Việt (đờn guitar phím lõm). Hội thi giúp họ có thêm kinh nghiệm biểu diễn để truyền dạy tốt hơn cho thế hệ trẻ; cũng như thấy được sự phát triển ĐCTT của các tỉnh để học tập đưa nghệ thuật tài tử Bình Dương bước tiếp.
Trong khuôn khổ các hoạt động của festival, nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Dương còn cùng đoàn nghệ thuật các tỉnh tham gia biểu diễn tại các địa phương. Theo các nghệ sĩ, festival là ngày hội lớn đối với những người mộ điệu. Do đó khi có hoạt động gì, mọi người đều tham gia hết mình, dù có mệt nhưng ai cũng vui vẻ, hạnh phúc khi được góp sức vào công cuộc gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT.
Nỗ lực truyền dạy
Cùng các nghệ nhân tham gia các hoạt động của festival, điều chúng tôi thắc mắc là tại sao chỉ có những người lớn tuổi mới là người mộ điệu, vậy lớp trẻ thì sao? Liệu những “lão làng” ấy già đi ai sẽ là người kế thừa? Câu hỏi của chúng tôi cũng là trăn trở chung của các nghệ nhân, nghệ sĩ hết mình cho nghệ thuật tài tử. Rồi cũng từ những trăn trở đó, họ lại cùng nhau đưa ra những giải pháp để thu hút các bạn trẻ đến với ĐCTT, góp phần để nghệ thuật tài tử mãi trường tồn.
Nghệ sĩ, NNƯT Bình Dương tham gia giao lưu ĐCTT tại Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017
Trao đổi với chúng tôi, NNƯT Thu Hồng nói: “Bình Dương tuy không phải là “cái nôi” của ĐCTT nhưng phong trào ĐCTT ở đây không thua kém gì các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, trong số 800 nghệ nhân, tài tử đang sinh hoạt tại 60 câu lạc ĐCTT thì hầu như là người lớn tuổi. Do đó để lớp trẻ yêu tài tử, bản thân cô cũng như những nghệ nhân khác đang nỗ lực hết mình truyền dạy. Về phần mình, cô tích cực hướng dẫn những người mới đến sinh hoạt tại Câu lạc bộ ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cách lấy hơi, nhã chữ, theo nhịp đờn. Tại gia đình mình, cô cũng mở các lớp dạy ca cho các em trong khu phố. Ban đầu, cô dạy từ trong gia đình ra xã hội bằng cách khuyến khích con cháu mình tham gia ca hát rồi cùng cô “truyền lửa” đam mê cho những bạn trẻ khác.
Đối với NNƯT Phạm Ngọc Phú cho rằng, ĐCTT là loại hình nghệ thuật độc đáo nhưng khá “kén” khán giả. Tuy lời ca từ gần gũi nhưng rất thâm thúy; âm nhạc réo rắc như ru lòng người nhưng phải ngẫm mới thấy cái hay, bởi vậy người muốn yêu loại hình này phải tìm hiểu, chiêm nghiệm. Do đó, loại hình này hiện nay chỉ có những người lớn tuổi yêu thích, lớp trẻ với suy nghĩ chớp nhoáng thì tìm đến với dòng nhạc rock, rap, nhạc thị trường.
Để loại hình này gần gũi với lớp trẻ, ông Phú đưa ra ý kiến, “mưa dầm thấm đất”, nếu muốn con cháu mình thích ca tài tử thì bản thân ông bà, cha mẹ thường xuyên hát cho các cháu, hay mở nhạc tài tử cho các cháu nghe. Như vậy, ngay từ nhỏ con cháu mình đã được nghe và tự ngân nga vài điệu lý thì lớn lên mới gắn bó với nghệ thuật tài tử. Mặt khác, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng nên xem xét việc đưa ĐCTT vào dạy trong các trường, sinh hoạt CLB đội nhóm, như vậy mới mong giúp các cháu tiếp cận với loại hình nghệ thuật này.
Cũng chính từ những trăn trở đó của các nghệ nhân, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đang thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học, Đề án chi tiết bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ có việc đưa ĐCTT đến gần với lớp trẻ. Trong đó có việc truyền dạy, tổ chức hội thi, liên hoan ĐCTT với đối tượng thanh thiếu niên. Từ những nỗ lực đó, mọi người hy vọng ĐCTT Bình Dương sẽ bay cao, bay xa, phát triển mạnh mẽ để cùng với 20 tỉnh, thành có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này lưu giữ mãi về sau.
THIÊN LÝ