Chung tay vì nước sạch, vệ sinh môi trường sạch
(BDO) Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, năm nay “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường” bắt đầu diễn ra từ ngày 12 đến 17-5 và kéo dài đến ngày 5-6. Với chủ đề “Nước sạch nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và dịch bệnh”, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiểu biết cộng đồng về tầm quan trọng của nước sạch, vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Các ngành, đoàn thể tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường tại TP.Thủ Dầu Một
Cùng hợp tác vì nước sạch
Bình Dương là một trong những địa phương có điều kiện tương đối thuận lợi về nguồn nước ngọt, song với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng đã làm suy giảm số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên nước. Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết hiện nay nhu cầu sử dụng nước và các dịch vụ về nước trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mực nước dưới đất tại các khu vực sản xuất tập trung như Khu công nghiệp Sóng Thần và khu sản xuất An Phú đang có xu hướng thấp dần. Quá trình thực hiện vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía Nam tỉnh gặp không ít khó khăn. Một số doanh nghiệp (DN) có ngành nghề đặc thù như: sản xuất chế biến thực phẩm, thủy hải sản… phản ánh việc sử dụng nước cấp tập trung có hàm lượng clo cao đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và rất khó xử lý. Mặt khác, nếu DN chuyển toàn bộ sang sử dụng nước cấp tập trung thì nguồn nước cấp không đủ nhu cầu sử dụng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, theo ông Tân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các nhóm giải pháp cho những vùng hạn chế khai thác nước dưới đất như: Không cấp, gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất. Đối với một số ngành nghề đặc thù, cho phép các DN được khoan thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ sản xuất, các nhu cầu còn lại phải sử dụng nước cấp tập trung. Những DN có nguồn nước cấp tập trung thiếu hoặc yếu thì cho phép các DN được khai thác, sử dụng nước dưới đất một phần, chấp thuận cho các DN sử dụng một giếng khoan. Trường hợp còn lại thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải thực hiện việc trám lấp giếng theo quy định.
Dưới góc độ quản lý, các cán bộ quản lý tài nguyên nước cho biết để quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, các cấp, ngành, DN, tổ chức, cá nhân cần phải có sự hợp tác hài hòa, chặt chẽ. Trước tiên cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc xả nước thải của các DN; mở rộng hệ thống quan trắc nước thải tự động và các điểm quan trắc... Có như thế, Bình Dương sẽ có nguồn nước sạch, bảo đảm phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Chung tay giữ cho môi trường xanh - sạch
Hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường”, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức dọn vệ sinh, thu gom rác thải, làm sạch môi trường.
Tại TX.Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo các xã, phường trên địa bàn vừa đồng loạt tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường. Bà con nhân dân và học sinh trên địa bàn đã tổ chức quét dọn, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, làm sạch lòng lề đường... Không khí ra quân diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Trong khi đó, 7 phường trên địa bàn TP.Dĩ An cũng tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia vệ sinh môi trường, thu dọn vệ sinh trong khuôn viên gia đình, tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải tồn đọng đưa về bãi rác tập trung để xử lý. Các cơ quan, đơn vị, DN, trường học, ban quản lý chợ dân sinh trên địa bàn thành phố cũng tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng tại khu vực rác thải, kết hợp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết nước sạch và vệ sinh môi trường là một nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày. Nước là tài nguyên quý giá, là một trong những điều kiện không thể thiếu cho sự sống, giúp cho cơ thể con người khỏe mạnh, nếu không có ý thức giữ gìn thì nguồn nước là môi trường trung gian lây truyền nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Các ngành, các đơn vị và tất cả người dân cần phải có ý thức bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, như: Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không xả rác, phân hóa học, thuốc trừ sâu bừa bãi. Mỗi người phải có hành động cụ thể làm sạch, đẹp cho chính gia đình và khu phố mình.
KIM HÀ