Chung tay thực hiện thắng lợi các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu

2022-02-24 08:47:41

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Chính phủ đã nhanh chóng tổ chức các cuộc họp triển khai thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án, lộ trình cụ thể.


Phái đoàn EU làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

Xây dựng sàn giao dịch các-bon

Ngày 7-1-2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định này quy định cụ thể, chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Đây là một trong những văn bản pháp luật thể hiện ý chí, quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết giảm lượng phát thải ròng của cả nước xuống còn 0 vào năm 2050 tại COP26 năm 2021.

Cùng với chiến lược bảo vệ, gìn giữ môi trường thông minh được Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương thực hiện theo giai đoạn, từ nay đến năm 2028, Việt Nam cũng hoạch định, xây dựng và phát triển sàn giao dịch tín chỉ các-bon (tín chỉ các-bon là một thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn các-bon đi-ô-xít (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Trên thị trường, việc mua bán các-bon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ).

Cụ thể, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sau: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon…

Nghị định 06/2022/NĐ-CP cũng quy định trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước. Theo đó, việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định. Đối với hoạt động đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản hướng dẫn trước khi sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức đi vào hoạt động.

EU đồng hành cùng Việt Nam

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, ngài Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã có buổi tiếp xúc, làm việc với Bộ TN&MT. Tại buổi làm việc, ngài Frans Timmermans khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu cam kết tại COP26.

Cụ thể, tại buổi làm việc với Bộ TN&MT, ngài Frans Timmermans cho biết EU rất ấn tượng với vai trò và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 cũng như lập trường của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15). Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã lắng nghe những ý kiến của phái đoàn EU và chia sẻ những khó khăn, mong muốn hợp tác với EU về việc triển khai thực hiện các nội dung cam kết của Việt Nam.

Ngay sau buổi tiếp xúc, làm việc giữa phái đoàn EU và Bộ TN&MT kết thúc, nhiều chuyên gia tin rằng những cam kết của Việt Nam tại COP26 sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ. Bởi bên cạnh sự đồng hành của EU và bạn bè quốc tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa ngay sau khi trở về từ COP26. Cụ thể, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện một số hoạt động trọng tâm, như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó BĐKH; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của BĐKH.

Phái đoàn EU đánh giá cao việc Việt Nam đang xem xét đề ra chính sách để loại bỏ năng lượng hóa thạch và thúc đẩy phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện gió trên đất liền. Đồng thời tiến hành điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp lộ trình phát thải ròng bằng “0” vào 2050. Những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn liền gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái mà Việt Nam đang hướng tới đã nhận được sự tán dương và ủng hộ của ngài Frans Timmermans và phái đoàn EU.

ĐÌNH THẮNG - KHÁNH VY

Báo Bình Dương