Chung tay hành động vì an toàn vệ sinh lao động
(BDO) Nhằm nâng cao nhận thức, sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), ngành y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuỗi hoạt động trong tháng 5. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngành y tế, công tác ATVSLĐ của các đơn vị trong năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Ngành y tế là một ngành lao động đặc thù, cường độ lao động cao ở tất cả các chuyên khoa. Nhân viên y tế phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp tham gia xử lý các dịch bệnh nên rất dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm, như: HIV/AIDS, viêm gan vi rút, lao, SARS, H5N1, Covid-19. Không những thế, nhân viên y tế còn phơi nhiễm với nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như bụi chứa các mầm bệnh, phóng xạ, điện từ trường, siêu âm, tiếng ồn, các khí gây mê, hóa chất khử khuẩn…
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết trong những năm qua, các đơn vị y tế đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động (BHLĐ), nhiều đơn vị đã bố trí cán bộ chuyên trách về ATVSLĐ. Hội đồng BHLĐ đã xây dựng quy chế ATVSLĐ của đơn vị; xây dựng kế hoạch BHLĐ; tổ chức đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động (NLĐ). Mạng lưới an toàn vệ sinh viên phổ biến các quy định, chính sách, chế độ mới về BHLĐ đến NLĐ. Qua các cuộc kiểm tra hàng năm cho thấy các cơ sở y tế thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở NLĐ nghiêm túc thực hiện quy định về ATVSLĐ, sử dụng có hiệu quả các trang bị phòng hộ cá nhân trong quá trình làm việc.
Ngành y tế cơ quan đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, kế hoạch điều dưỡng và phục hồi chức năng cho NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại hoặc có kết quả khám sức khỏe định kỳ loại IV, loại V hoặc mắc bệnh nghề nghiệp; phòng, chống nhiễm khuẩn nghề nghiệp và dự phòng một số bệnh lây nhiễm nghề nghiệp trong ngành y… Các đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản chuyên môn, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, quy tắc ứng xử đối với nhân viên y tế, quy định về y đức, chế độ chính sách đối với NLĐ. Một số đơn vị đã tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho cán bộ, viên chức vận hành máy móc thiết bị y tế.
Trong lĩnh vực chăm lo sức khỏe NLĐ, các đơn vị đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Dựa vào kết quả khám sức khỏe định kỳ, đơn vị đã bố trí công việc phù hợp với sức khỏe NLĐ. Hàng năm, chính quyền phối hợp với công đoàn cho cán bộ viên chức, NLĐ đi tham quan, nghỉ mát, tổ chức điều dưỡng phục hồi chức năng. Các đơn vị đã trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLĐ như quần áo bảo hộ, găng tay, ủng, kính, quần áo chuyên dụng phòng, chống bệnh nguy hiểm, mặt nạ, khẩu trang, nút tai… đáp ứng yêu cầu công việc. Chế độ bồi dưỡng độc hại nguy hiểm bằng hiện vật đã được các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Do đặc thù của ngành y tế có nhiều chuyên ngành nên máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cũng được đăng ký và kiểm định chặt chẽ.
Đa dạng hóa hoạt động
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 được tổ chức trong suốt tháng 5 nhằm tạo cao điểm, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Chủ đề của tháng hành động là “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Thông qua các hoạt động của tháng hành động nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và NLĐ trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, ngành y tế tỉnh đã triển khai các kế hoạch đến tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được xây dựng với nhiều nội dung quan trọng, như: Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ. Ngành y tế phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, cải thiện điều kiện làm việc đối với các cơ sở có nhiều yếu tố độc hại, có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Nội dung thanh, kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, dung môi trong ngành da giày, may mặc, điện tử… các đơn vị cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ của các cơ sở y tế trên địa bàn bao gồm: Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc; lập kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; quan trắc môi trường lao động, thực hiện các quy định về đánh giá kiểm soát các yếu tố nguy cơ; tổ chức các hội thi, hội thảo, tọa đàm… về ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích. Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về bảo đảm ATVSLĐ cho nhân viên y tế, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn sẽ xây dựng, thực hiện hoạt động hưởng ứng cụ thể.
HOÀNG LINH - THẾ PHƯƠNG