Chung tay hành động giảm thiểu rác thải nhựa
(BDO) Là một địa phương có ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh, dân số tăng nhanh, kéo theo hệ lụy rác thải các loại nhiều, Bình Dương đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Các phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, “Hạn chế sử dụng túi nylon”, “Phân loại rác thải tại nguồn”... đang được cộng đồng chung tay, hưởng ứng tích cực.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nói không với rác thải nhựa. Trong ảnh: Mô hình thu gom phế liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên
Nâng cao nhận thức
Việc giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) mang lại nhiều lợi ích cho môi trường. RTN nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ông Nguyễn Thế Tùng Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết: “Đốt RTN sẽ sinh ra chất độc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. RTN chôn lấp sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí ô xy đi qua đất, tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, đồng thời làm ô nhiễm nguồn nước”.
Những năm qua, nhờ nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, lượng RTN trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường sống cho người dân. Hàng loạt các chương trình, mô hình được triển khai thực hiện như biến bãi rác thành vườn hoa, vớt rác kênh mương khơi thông dòng chảy, thu gom phế liệu gây quỹ tình thương, thu gom vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... đã góp phần giảm thiểu được lượng RTN ra môi trường, bảo đảm an toàn sinh hoạt và sản xuất cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Điển hình, TP.Tân Uyên đã thành công trong việc thực hiện mô hình “biến bãi rác tự phát thành vườn hoa, cây xanh”, từ đó “xóa” được nhiều “điểm đen” gây ô nhiễm môi trường. Không riêng gì TP.Tân Uyên, tại các khu vực đô thị hình ảnh những dòng kênh rạch bị tắc bởi RTN, những bãi rác lộ thiên bốc mùi, hay những con đường ngập rác thải sau mỗi trận mưa lớn... đang dần được thay thế bằng hình ảnh những khu phố, tuyến đường xanh, sạch, đẹp.
Đối với khu vực nông thôn, rác thải nông nghiệp như chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng nhiều, độc hại. Trước thực trạng trên, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện mô hình “Thùng chứa rác thải thuốc BVTV” hay “Hố chứa rác thải thuốc BVTV” giúp nông dân thay đổi dần thói quen vứt rác thải nông nghiệp ngay tại bờ ruộng, góc vườn sau khi sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường. Ông Võ Văn Thành, nông dân ở xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng), cho biết: “Trong quá trình sản xuất, các chai, lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV tôi gom để vào thùng chứa. Không chỉ riêng tôi, nhiều hộ dân khác cũng thực hiện, góp phần hạn chế việc ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho mọi người”.
Hành động thiết thực
Nhận thức được tác hại của RTN, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm thiểu RTN. Từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đến xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải hiệu quả đã từng bước thay đổi thói quen sử dụng, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện hiệu quả, mỗi cá nhân, cộng đồng và các tổ chức trên địa bàn tỉnh đều chung tay để bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai xanh - sạch - đẹp.
Thời gian qua, nhờ sự tích cực tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, nhận thức của người dân về tác hại của RTN đã được nâng cao, lượng RTN thải ra môi trường đã giảm đáng kể. Nhiều mô hình hiệu quả đã được triển khai tại cộng đồng như: “Phụ nữ thu gom phế liệu - trao cây xanh - tiết kiệm gây quỹ giúp phụ nữ nghèo”; “Phân loại rác thải rắn tại nguồn”; “Giỏ rác hộ gia đình”, “Sử dụng chai thủy tinh trong hội họp”, “Hộ tôi xanh - sạch - đẹp”, “Biến rác thải thành tiền”, “Nói không với túi nylon”...
Thanh niên tỉnh là lực lượng tiên phong, đi đầu trong hoạt động tuyên truyền hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường; kịp thời lựa chọn các hình thức tuyên truyền vận động mới, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến nhằm vận động đoàn viên thanh niên và người dân tham gia tích cực. Theo anh Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, thời gian qua thanh niên Bình Dương đã thực hiện tốt nhiều hoạt động về phân loại rác thải tại nguồn. Đoàn Thanh niên các cấp đã triển khai nhiều phong trào như “Nói không với sản phẩm nhựa một lần”, “Đổi rác lấy quà tặng”, ra quân vận động người dân và thanh niên công nhân cùng hưởng ứng làm vệ sinh môi trường, tuyên truyền về hạn chế sử dụng RTN, ký kết với các doanh nghiệp về việc thay đổi việc dùng ly nhựa, ống hút nhựa bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường...
HẠNH NHI