Chung tay hành động để bảo vệ môi trường

Thứ hai, ngày 04/06/2018

Sáng qua (3-6), tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2018. Tham dự buổi lễ có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp có công nghệ sản xuất sạch, tái chế rác thải, gần 1.000 học sinh, sinh viên của các trường THPT, cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo người dân.

(BDO)

 Ông Mai Hùng Dũng (thứ hai từ phải sang, hàng trước), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tham gia tại buổi lễ Ngày Môi trường thế giới năm 2018. Ảnh: XUÂN THI

 Chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay là “Chống lại ô nhiễm rác thải nhựa”, với thông điệp “Nếu không tái sử dụng, hãy từ chối sử dụng”.

Cộng đồng cùng góp sức

Có mặt tại trường Đại học Thủ Dầu Một từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Thanh Khiết, ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một đang háo hức chờ đổi chai nhựa để lấy những phần quà từ ban tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2018. Chị Khiết chia sẻ, chị đã bỏ ra cả tuần đi thu gom được gần 30kg chai nhựa bị vứt bỏ khu vực gần nhà chị ở để hưởng ứng buổi lễ hôm nay. Chị được ban tổ chức tặng 20 phiếu quà tặng để đổi sữa và vật dụng sinh hoạt gia đình.

Còn bà Trần Thanh Tâm, ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cũng mất gần 1 tháng để gom được hơn 10kg bao nylon trong khu dân cư để đem đến buổi lễ đổi quà. Khi được các bạn sinh viên chia sẻ rác thải nhựa, nylon mất cả ngàn năm mới bị phân hủy, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn cho cả thế hệ sau này, bà Tâm tỏ vẻ lo lắng vì thói quen đi chợ của mình, khi mua một ít hành lá người bán kèm theo một bịch nylon để bà cũng như các khách hàng khác đựng. Thói quen này đang gây ra tác hại đáng kể đến môi trường sống xung quanh.

Gian hàng của Công ty Ắc quy GS tham gia tại buổi lễ rất quen thuộc với nhiều người dân trong tỉnh, bởi hàng năm công ty tích cực thu hồi các bình ắc quy cũ để tái chế. Theo lãnh đạo công ty, bình ắc quy qua sử dụng nếu không được xử lý đúng kỹ thuật các chất độc hại sẽ làm ô nhiễm nguồn đất, mạch nước. Chính vì thế, nhiều năm qua công ty luôn tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới để khuyến khích mọi người đem bình ắc quy cũ để đổi lấy quà.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần được lấp đầy, với 72 điểm, lưu lượng 130.000m3/ngày/đêm, chiếm 80% hệ thống xả thải cần quan trắc, kiểm soát. Hàng loạt dự án xử lý nước thải đang được triển khai tại TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát…, sau khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng.

Tại gian hàng ẩm thực xanh tham gia buổi lễ cũng thu hút nhiều người tham quan. Tại đây, mọi người được thưởng thức các món ăn làm từ nguyên liệu sạch, các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường...

Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ nhận thức “xanh” đến hành động “xanh” là công việc rất cần thiết. Ngày Môi trường thế giới năm nay đã gửi thông điệp rất rõ ràng đến với cộng đồng. Những vật dụng như bao nylon, chai nhựa có vẻ ngoài vô hại nhưng đây là những hợp chất polymer rất khó phân hủy. Nếu không được xử lý, tái chế rác thải nylon, rác thải nhựa sẽ gây nguy cơ ô nhiễm toàn cầu, làm suy giảm sự phát triển kinh tế của các quốc gia, gây ra nguy cơ nghèo đói. Chính vì thế, công tác tuyên truyền về tác hại rác thải nylon, nhựa đã và đang được sở tích cực triển khai; phạm vi, đối tượng tuyên truyền được mở rộng: Từ trường học, nhà máy cho đến khu dân cư, khu nhà trọ… để nâng cao ý thức cho mọi người, bởi vật dụng nylon, nhựa đang được dùng rất phổ biến và số lượng rất nhiều trong sinh hoạt tiêu dùng hàng ngày.

Ấn tượng với công nghệ tái chế

Công nghiệp và đô thị tại Bình Dương phát triển mạnh, nên áp lực về rác thải rắn, rác thải sinh hoạt ngày mỗi lớn. Hiện nay, rác thải trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày đang được nỗ lực thu gom xử lý; khó khăn về xứ lý ô nhiễm rác thải cũng đang được tỉnh từng bước giải quyết.

Tham gia buổi lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm nay, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương có gian hàng sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu Con Voi, từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương thuộc công ty. Sản phẩm này đang dần chiếm được cảm tình của khách hàng. Từ rác thải sinh hoạt, qua công nghệ xử lý tiên tiến, rác thải trở thành nguồn tài nguyên quý giá để tạo ra sản phẩm phục vụ nền nông nghiệp sạch mà Bình Dương đang hướng tới. Phân bón Con Voi đang được nhiều nhà nông tin dùng để chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, cao su, thanh long… Ngoài rác nylon, rác nhựa, rác thải rắn còn được công ty xử lý để sản xuất ra sản phẩm ngói, gạch men, vách ngăn… phục vụ các công trình xây dựng.

Tại gian hàng giới thiệu công nghệ chế tạo vật liệu composite từ xơ dừa tươi và nhựa phế liệu, nhiều người tham quan và đánh giá cao cách làm này. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc sử dụng xơ dừa tươi và túi nylon - là những vật liệu phế thải, chế tạo thành composite sử dụng trong ngành xây dựng, vật liệu nội thất và đồ mộc là công nghệ rất mới và cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường. Công nghệ này giải quyết được các vấn đề phụ phẩm từ dừa tươi, cũng như túi nylon phế thải, làm giảm chi phí xử lý môi trường. Ngoài ra, công nghệ này còn tạo ra sản phẩm mới phục vụ ngành xây dựng; khách hàng có thêm sự lựa chọn sản phẩm với giả cả phù hợp. Công nghệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, giúp người nông dân có thêm thu nhập từ cây dừa…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, nhận thức được vấn đề gia tăng ô nhiễm do chất thải rắn, chất thải nhựa gây ra, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã thực hiện rất nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải. Điển hình như tỉnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể quản lý, xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, phê duyệt Đề án kiện toàn hệ thống quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh…

Ông Mai Hùng Dũng kêu gọi mọi người dân mạnh dạn thay đổi thói quen, cùng thực hiện tốt lối sống “xanh”, góp phần giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Điều phải thực hiện ngay bây giờ là mọi người cần hạn chế hoặc dừng sử dụng vật dụng nhựa một lần; sử dụng túi xách, giỏ dùng nhiều lần khi đi mua sắm. Đối với các doanh nghiệp, cần có trách nhiệm hơn đối với môi trường; cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, sự cố môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch, vật liệu có khả năng tái chế.

 Theo thống kê, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần; có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới. Phần lớn rác rải nhựa hiện nay trên thế giới bị chôn vùi trong các bãi chôn lấp hoặc tồn tại trong các đại dương, trong đất, sông, suối. Điều đáng nói, Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra môi trường đứng thứ 4 trên thế giới, khối lượng rác thải nhựa dao động 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm. Riêng tại Bình Dương, mỗi ngày tạo ra khoảng 1.600 tấn rác thải đô thị, trong đó rác thải nylon, nhựa chiếm khoảng 200 tấn/ngày; tỷ lệ nhựa, nylon được thu gom tái chế chỉ khoảng 8%. Chất thải nhựa, nylon đang trở thành thách thức cho cả cộng đồng, xã hội.

 XUÂN VĨ