Chung tay chăm lo người có công
(BDO) Chăm lo người có công là việc làm luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện thường xuyên thông qua những chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời. Cùng với thực hiện tốt chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn tích cực vận động, huy động thêm nhiều nguồn lực trong xã hội để chăm lo cho người có công bằng nhiều hình thức thiết thực, ý nghĩa...
Ông Đặng Minh Hưng (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo TP.Dĩ An thăm, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hai ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An dịp Tết Nguyên đán
Tri ân bằng những việc làm thiết thực
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hai ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, có một người con trai độc nhất đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cũng như các mẹ Việt Nam anh hùng khác, để tri ân những đóng góp của mẹ, ngoài những chế độ mẹ được hưởng, TP.Dĩ An cũng như phường Tân Đông Hiệp luôn dành cho mẹ rất nhiều tình cảm quý mến. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, đoàn lãnh đạo tỉnh, thành phố, địa phương còn đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ sống vui, sống khỏe, luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau.
Thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, từ nhiều năm qua, mẹ Hai được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh nhận phụng dưỡng. Hội đã vận động gia đình ông Huỳnh Văn Ráng ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An hỗ trợ cho mẹ mỗi tháng 300.000 đồng đến cuối đời. Bà Nguyễn Thị Lệ Trinh, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho biết các mẹ Việt Nam anh hùng luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Việc Hội CTĐ nhận phụng dưỡng mẹ chỉ là góp thêm một phần nhỏ cùng với tỉnh nhà chăm lo người có công; đồng thời tỏ lòng tri ân đối với những cống hiến của mẹ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với việc nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, công tác xã hội hóa chăm lo người có công tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác, như: Vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí, tặng quà cho tất cả đối tượng người có công trên địa bàn vào các dịp lễ, tết; khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho người có công; tặng sổ tiết kiệm cho người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ngoài vận động kinh phí để tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công vào các dịp lễ, tết, những năm gần đây, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo còn có một hình thức hỗ trợ thể hiện sự chăm lo người có công một cách thiết thực, đó là tặng sổ tiết kiệm cho người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Những cuốn sổ tiết kiệm này dù giá trị không lớn, nhưng đó là tình cảm của địa phương và xã hội đối với người có công, giúp họ có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Còn ở huyện Bàu Bàng, từ nhiều năm qua, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc, tặng quà tại nhà cho người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Luôn quan tâm thực hiện
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp về với mảnh đất Bình Nhâm (TP.Thuận An) giàu truyền thống cách mạng. Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, phấn khởi cho biết đa số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn đều có cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển đi lên. Để có được kết quả đó, thời gian qua, lãnh đạo địa phương và cả hệ thống chính trị, nhân dân rất quan tâm thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công. Bà Thủy nói: “Ngoài thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, địa phương còn quan tâm thực hiện xã hội hóa để chăm lo đời sống người có công. Công tác này được thực hiện rất thuận lợi do có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc hỗ trợ kinh phí, quà tặng cho người có công”.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, toàn tỉnh đã vận động hơn 5,6 tỷ đồng để thực hiện công tác chăm lo người có công thông qua các hoạt động, như: Tặng quà Tết Nguyên đán và lễ 27-7, xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm...
Chăm sóc người có công là nghĩa cử thể hiện đạo lý cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện sự tri ân và tình cảm của những thế hệ đi sau đối với các thế hệ cha ông đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, bảo vệ đất nước.
“Hiện nay, hầu hết đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa chăm lo người có công cũng được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả trong cộng đồng. Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã thể hiện trách nhiệm bằng việc nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ kinh phí để tặng quà các dịp lễ tết... Những đóng góp này có ý nghĩa rất cao đẹp, góp phần cùng tỉnh nhà chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống người có công trên địa bàn”. (Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) |
HỒNG THUẬN