Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản
(BDO) Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở nước ta đã và đang được quan tâm, đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu, phát triển. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiều chương trình, đề án, dự án quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
Điển hình như chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản; đề án mở rộng và thành lập mới các khu bảo tồn biển Việt Nam.
Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng. Việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động được các địa phương trên cả nước quan tâm và tổ chức thực hiện hiện hàng năm, góp phần quan trọng khôi phục nguồn lợi thủy sản đã và đang bị khai thác quá mức.
Trong năm 2022, Việt Nam tổ chức thả hơn 53 triệu con và 150 tấn giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản; trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, cá thát lát cườm, cá he vàng, cá lăng, cá mú chấm đen, tôm sú, cua xanh… Hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm, tham gia, hỗ trợ và hưởng ứng tích cực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng ngư dân.
Phong trào thả cá giống vào môi trường tự nhiên thuộc chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh do Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh thực hiện là việc làm ý nghĩa, thiết thực. Đây là một trong những biện pháp nhằm phục hồi, tái tạo quần đàn các loại thủy sản đang bị suy giảm, giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi này. Đây cũng là hoạt động nhằm khảo sát, đánh giá hiệu quả của công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản và nắm bắt tình hình khai thác, đánh bắt cá của người dân trên hồ Cần Nôm, đập Phước Hòa trong những năm vừa qua. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng đối với công tác bảo vệ và phát triển thủy sản.
PHƯƠNG ANH