Chúng ta hãy cùng mạnh mẽ và cùng chiến thắng đại dịch
(BDO) Đến hôm nay đã là ngày thứ 8 chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế mới TX.Tân Uyên. Hầu hết chúng tôi đều có cảm giác mệt. Tuy nhiên, nhìn cách các y, bác sĩ và mọi người phục vụ ở đây đã kiên cường đứng vững 2 tháng nay, chúng tôi nhận ra việc làm của mình có là gì đâu. Họ là những anh hùng thầm lặng, thật đáng yêu và rất đáng trân trọng.
Ngày 15-8, Nhóm thiện nguyện Giáo phận Phú Cường đã khởi đầu chương trình thiện nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TX.Tân Uyên
Lên đường!
Ngày 15-8, đáp lại lời kêu gọi của Đức Giám mục Giáo phận Phú Cường, Nhóm thiện nguyện Giáo phận Phú Cường đã khởi đầu chương trình thiện nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TX.Tân Uyên với thời gian dự kiến khoảng ba tuần.
Qua thư kêu gọi của Đức cha Giuse, đã có 184 tình nguyện viên là các linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc Giáo phận Phú Cường lên đường tham gia chống dịch. Nhóm tình nguyện viên đã tập trung tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giuse (Thành phố mới Bình Dương) để có những công việc chuẩn bị khởi đầu cho các thành viên của nhóm. Các thành viên trong Nhóm thiện nguyện được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương kiểm tra sức khỏe qua việc test nhanh với Covid-19.
Khoảng 8 giờ 45 phút cùng ngày, mọi người theo sự sắp xếp của ban tổ chức lên xe cùng di chuyển đến Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương để dự lễ tiếp nhận. Sau đó, Nhóm thiện nguyện di chuyển đến TX.Tân Uyên - địa bàn mà các thành viên trong nhóm sẽ thực hiện các hoạt động hỗ trợ. Khoảng 9 giờ 45 phút, lãnh đạo TX.Tân Uyên chào đón và tiếp đoàn tại hội trường của Phòng Tư pháp thị xã.
Sau phần đón tiếp, theo kế hoạch phân chia công tác, các thành viên thiện nguyện được chia thành nhiều nhóm nhỏ để đến các nơi cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19 của TX.Tân Uyên.
Những ngày đầu tập sự
Nhóm chúng tôi đến phục vụ tại Trung tâm Y tế mới TX.Tân Uyên có 22 người. Sau khi gặp gỡ trao đổi với Giám đốc Trung tâm Y tế và Trưởng ban điều dưỡng, ăn trưa và nghỉ ngơi tại hội trường, 14 giờ 30 phút chiều chúng tôi được tập huấn về an toàn dịch tễ, học cách rửa tay sát khuẩn, mặc đồ phòng hộ cá nhân và một số quy định chung.
Các thành viên nhóm hỗ trợ nhân viên y tế thay bình oxy cho bệnh nhân…
Chúng tôi được chia ra 4 nhóm nhỏ để phục vụ trong toàn trung tâm. Nhóm làm tại Khoa Cấp cứu, nhóm chuyên lo vệ sinh, nhóm làm tại Khoa Dược và nhóm hỗ trợ tại Khoa Điều trị. Nhóm chúng tôi phục vụ ở khu điều trị gồm 1 cha, 1 thầy và 3 sơ, được trưởng khoa chia ra mỗi người giúp một lầu, ai cũng náo nức để bắt tay vào việc.
Ngày 16-8 là ngày phục vụ đầu tiên. Ai cũng lọng cọng trong bộ đồ bảo hộ khá nóng và nhiều hạn chế. Hết ngày, tất cả đều có cảm giác lâng lâng. Gặp lại nhau, kể cho nhau nghe những cảm nhận vui vui, tôi nói đùa với cả nhóm: Sau bao nhiêu năm nay chúng tôi mới biết mặc quần áo, đeo khẩu trang, kính chắn, găng tay và rửa tay. Thật vậy, hết ca phục vụ cởi bộ đồ bảo hộ ra như cất được 10 kg vậy, ai cũng mặt mũi bơ phờ. Sau đó, chúng tôi tự động viên nhau: “Rồi cũng sẽ mau quen…!!!”
Họ là những chiến binh quả cảm
Vào đây được chứng kiến tận mắt cảnh bệnh nhân bị căn bệnh hành hạ từ thể xác lẫn tinh thần, cùng sự chăm sóc hết mình của y, bác sĩ, tôi thật sự cảm phục các y, bác sĩ ở trung tâm.
Từng bệnh nhân được chăm sóc chu đáo và động viên để nhanh chóng bình phục
Ngày đầu trong bộ đồ trắng vào thay oxy cho bệnh nhân và dọn phòng cho những bệnh nhân mới nhập viện, hai giờ đồng hồ trong khu chữa trị, tôi nhiều lúc phải tựa lưng vào tường vì nóng, khó thở vì thiếu oxy, xây sẩm mặt mày. Tôi cảm nhận được sự vất vả của các y, bác sĩ. Tối hôm trước, trong khoa đã có y tá ngất xỉu vì quá mệt trên đường vận chuyển bệnh nhân.
Tối hôm đó, tôi thấy cô y tá làm cùng đã chiến đấu để cứu chữa các bệnh nhân 2 tháng nay không ra khỏi khu điều trị này. Tôi nói với cô ấy để tối tôi ở lại trực phụ giúp cô có thời gian nghỉ ngơi thêm chút.
Tôi cũng thức dậy mấy lần để thay oxy khi có bệnh nhân gọi. Thay oxy thì nhanh nhưng mất thời gian mặc đồ bảo hộ. Thời gian khử khuẩn cũng khá vất vả. Có trải nghiệm mới thấy sự hy sinh của các y, bác sĩ trẻ ở đây vì họ mới tốt nghiệp có 1 vài năm đã lao vào cuộc chiến khốc liệt chống cơn đại dịch này.
Vào buổi sáng những ngày kế tiếp, tôi phụ các nhân viên y tế thay bình oxy, dọn dẹp phòng bệnh nhân, trao đồ ăn cho bệnh nhân… Tôi vừa làm việc vừa động viên bệnh nhân: Ông bà, anh chị có đau không? Cố lên nhé sẽ sớm khỏe và được về thôi!
Sau mỗi câu nói, tôi cảm thấy được họ như vui lên trong ánh mắt vì có ai đó hỏi thăm. Nên tất cả sự mệt mỏi, sợ hãi bỗng chốc quên đi mà thay vào đó là tình yêu thương giúp tôi dấn thân phục vụ.
Chúng ta sẽ chiến thắng
Đến hôm nay đã là ngày thứ 8 chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế mới TX.Tân Uyên. Hầu hết chúng tôi đều có cảm giác mệt. Tuy nhiên, nhìn cách các y, bác sĩ và mọi người phục vụ ở đây kiên cường đứng vũng 2 tháng nay, chúng tôi nhận ra việc làm của mình có là gì đâu. Họ là những anh hùng thầm lặng, thật đáng yêu và rất đáng trân trọng.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chúng ta rất cần những cánh tay, những tấm lòng sẵn sàng góp sức của các bạn trẻ cùng các y, bác sĩ để cứu các bệnh nhân, giúp đẩy lùi cơn đại dịch sớm nhất có thể
Được chia sẻ với họ, chúng tôi thấy họ thật sự có sức mạnh của tình thương thôi thúc mới có nghị lực kiên cường để phục vụ giữa muôn vàn khó khăn lúc đại dịch này. Họ ăn uống thất thường, giấc ngủ chỉ là tranh thủ ngả lưng khi quá mệt và chập chờn suốt vì bệnh nhân. Ca làm 24 giờ, không có khái niệm nghỉ là gì và cũng quên cả khái niệm gia đình, mặc dù là rất nhớ.
Ở đây, những thành viên thiện nguyện chúng tôi cùng chia nhau từng hộp sữa, gói mì, chai nước ngọt, thân thương như người một nhà vậy. Những bữa cơm ăn vội, vắng bóng rau củ quả nhưng mọi người động viên nhau cùng ăn để có sức phục vụ. Chúng tôi thầm ước nguyện cho tất cả được bình an trong tâm hồn khi đối diện với mọi nghịch cảnh và vui mừng vì phục vụ bệnh nhân chính là chúng tôi đang phục vụ Chúa nơi chính họ.
Tôi thấy để phục vụ tốt hơn nữa cho việc chữa trị bệnh nhân Covid-19, trung tâm nên được hỗ trợ nhiều hơn nữa bình oxy, bố trí tốt hơn nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt hàng ngày.
Một câu hỏi mà các bệnh nhân luôn hỏi: Khi nào được về nhà? Đó cũng là khao khát và hy vọng chung của mọi người. Mong sao ngày đó sẽ mau tới. Vì thế, ngay lúc này đây khi mà Bình Dương nói chung và TX.Tân Uyên nói riêng đang là tâm dịch, chúng ta rất cần những cánh tay, những tấm lòng sẵn sàng góp sức của các bạn trẻ cùng các y, bác sĩ để cứu các bệnh nhân, giúp đẩy lùi cơn đại dịch sớm nhất có thể.
Linh mục Giuse Đặng Hữu Tôn, MF