Chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của chính quyền cấp xã
(BDO) Ngày 8-5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 619/QĐ- TTg quy định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo quyết định này, việc triển khai xã đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao thức pháp luật, giáo dục sự tôn trọng và thực hiện pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và quyền được tiếp cận các quy định của pháp luật. Việc xây dựng các tiêu chuẩn này sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, những vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã. Qua việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm đánh giá thực trạng, nắm bắt các hạn chế tồn tại trong quản lý tổ chức và thực hiện các tiêu chí và chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức cấp xã trong việc thực thi công vụ; cải thiện được các hình thức tuyên truyền, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở.
Việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; Đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của chính quyền cấp xã.
Theo quy định tại Quyết định 619/QĐ-TTg, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là việc xây dựng, thực hiện 5 tiêu chí (với 25 chỉ tiêu), có tổng số điểm là 100 điểm.
- Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, tiêu chí này gồm 3 chỉ tiêu thành phần như công tác ban hành văn bản, việc triển khai thi hành hiến pháp; về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; việc giải quyết khiếu nại tố cáo… tổng số điểm của tiêu chí này là 15 điểm.
- Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, với tổng số điểm là 30 điểm, gồm 5 chỉ tiêu thành phần có liên quan đến công tác thủ tục hành chính như: Công khai đầy đủ, kịp thời; bố trí địa điểm, công chức; giải quyết đúng thủ tục, thời hạn;…
- Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật, với khá nhiều nội dung được chia ra 9 chỉ tiêu thành phần như: Công khai văn bản; cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đối thoại chính sách… và điểm của tiêu chí này là 25 điểm.
- Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở, gồm 3 chỉ tiêu thành phần với số điểm là 10 điểm. Tiêu chí về hòa giải ở cơ sở được quy định rất rõ ràng, cụ thể ở 3 chỉ tiêu về thành lập kiện toàn, bồi dưỡng tập huấn; thời hạn hòa giải và việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
- Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm 5 chỉ tiêu thành phần quy định về công khai minh bạch các quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở và các nội dung trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định rất nhiều các nội dung liên quan đến quyền của người dân trong việc tham gia các hoạt động của chính quyền cơ sở.
Cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ 4 điều kiện:
1. Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa.
2. Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III.
3. Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên.
4. Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.
Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện) xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo thực hiện các giải pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật để tư vấn, giúp Chủ tịch tổ chức việc đánh giá tiếp cận pháp luật gồm một lãnh đạo UBND cấp huyện làm Chủ tịch, Trưởng phòng Tư pháp làm Phó Chủ tịch.
Về quy định công khai kết quả chấm điểm các tiêu chí, UBND cấp xã niêm yết công khai kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tại trụ sở làm việc, nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố và cộng đồng dân cư khác; thông báo trên đài, loa truyền thanh cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc tự chấm điểm. UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh công bố danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, danh sách cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng/Trang tin điện tử của địa phương chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch UBND cấp huyện đối với cấp tỉnh.
Nhằm triển khai thực hiện tốt Quyết định 619/QĐ- TTg mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 07/2017/TT-BTP ngày 28- 7-2017 quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
SỞ TƯ PHÁP