Chuẩn hóa chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ hai, ngày 28/08/2023

(BDO) Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ người dân khám, chữa bệnh ở các tuyến đang giảm mạnh. Theo các chuyên gia y tế, đây có thể là tín hiệu tốt khi sức khỏe của cộng đồng đã được nâng lên sau đại dịch Covid-19 hoặc có thể vì người dân chưa ưu tiên sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế tỉnh cũng đang chú trọng xây dựng phác đồ điều trị nhằm chuẩn hóa chuyên môn, hạn chế sai khác trong quá trình chẩn đoán, điều trị và sử dụng thuốc cho người bệnh.

 

Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn, khám chữa bệnh cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân

 Giảm đồng nhất ở các tuyến

Tính đến nay, tổng số lần khám bệnh của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh là hơn 2,5 triệu lượt người, đạt 35,8% kế hoạch năm. Tổng số lần khám bệnh của các bệnh viện giảm kéo theo công suất sử dụng giường bệnh giảm. Tại hệ thống bệnh viện công lập, điển hình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công suất sử dụng giường bệnh đạt 80,4%, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đạt 90,5%, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đạt 47,3%. Trong khi đó, công suất sử dụng giường bệnh tại các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố dao động từ 23,3% đến 85%. Đặc biệt, có 4 trung tâm có công suất sử dụng dưới 50%; hai địa phương là TP.Thủ Dầu Một và huyện Bắc Tân Uyên đã giao chỉ tiêu giường bệnh nhưng chưa triển khai điều trị nội trú.

Tổng số lần khám bệnh của các bệnh viện ngoài công lập dao động từ 15% đến 115% và có 8/15 đơn vị có công suất sử dụng giường bệnh dưới 50%. Hai bệnh viện ngành công suất sử dụng giường bệnh từ 54,7% (Bệnh viện Quân y 4, Quân đoàn 4) đến 68% (Bệnh viện Cao su Dầu Tiếng). Hiệu suất sử dụng phòng mổ tại các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, các bệnh viện ngoài công lập, bệnh viện ngành cũng đạt thấp, chưa có sự cải thiện đáng kể.

Cùng với đó, hoạt động khám, chữa bệnh y học cổ truyền ở các tuyến giảm so với các năm trước đại dịch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh triển khai công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền đạt 10,4%. Trong đó, các bệnh viện công lập đạt 11,5%, bệnh viện ngoài công lập đạt 7%. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến xã là 37%, tuyến huyện 11%, giảm so với cùng kỳ các năm trước. Năm nay, tỷ lệ này ở tuyến y tế cơ sở là 23%, tuyến tỉnh 3,2%, chỉ bằng 22,8% so với cùng kỳ. Việc ứng dụng các bài thuốc, phương pháp điều trị y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh có xu hướng giảm tại tuyến y tế cơ sở.

Theo các chuyên gia y tế, tổng số lần khám bệnh tại các tuyến giảm có thể là tín hiệu tốt khi sức khỏe của cộng đồng đã được nâng lên sau đại dịch Covid-19 hoặc có thể vì người dân chưa ưu tiên sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng phác đồ điều trị, chuẩn hóa chuyên môn

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay rất ít bệnh viện, cả công lập và ngoài công lập xây dựng phác đồ điều trị để làm cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý trong mọi hoạt động chuyên môn. Xây dựng và triển khai phác đồ điều trị là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động quản lý khám, chữa bệnh của mỗi bệnh viện. Phác đồ điều trị của bệnh viện phải bảo đảm kết hợp 3 yếu tố: khoa học (y học chứng cứ), phù hợp năng lực kỹ thuật của bệnh viện (theo phân tuyến kỹ thuật của bệnh viện) và chi phí hợp lý.

Danh mục các phác đồ điều trị phải căn cứ vào mô hình bệnh tật của bệnh viện với mức độ bao phủ trên 80%, kể cả điều trị nội trú và ngoại trú. Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện thẩm định danh mục thuốc của từng khoa trên cơ sở phác đồ điều trị; với những thuốc không có trong phác đồ, đề nghị khoa giải trình rõ lý do. Việc giám sát chi phí điều trị ngoại trú và nội trú nhằm tăng cường kiểm soát chi phí điều trị hợp lý. Công tác bình bệnh án, bình đơn thuốc được thực hiện với những trường hợp có chi phí cao, thời gian điều trị kéo dài, tử vong, chuyển viện, tái nhập viện.

Thực tế qua các đợt kiểm tra, giám sát chất lượng bệnh viện của các cơ quan chức năng cho thấy việc thực hiện nội dung này tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm. Ngành y tế tỉnh đang chú trọng xây dựng phác đồ điều trị nhằm chuẩn hóa chuyên môn, hạn chế sai khác trong quá trình chẩn đoán, điều trị và sử dụng thuốc cho người bệnh.

Bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Định kỳ hàng năm bệnh viện xây dựng phác đồ điều trị và bổ sung phác đồ mới nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mô hình bệnh tật của bệnh viện. Tài liệu phác đồ điều trị được bệnh viện ưu tiên phổ biến đến từng bác sĩ, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống nhắc phác đồ. Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện lập kế hoạch, triển khai giám sát định kỳ, đột xuất chuyên đề tuân thủ phác đồ bệnh viện nhằm hạn chế sai khác trong chẩn đoán, điều trị và sử dụng thuốc cho người bệnh”.

 “Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện chịu trách nhiệm biên soạn phác đồ, hội đồng khoa học công nghệ thẩm định trước khi giám đốc bệnh viện phê duyệt và ban hành thành văn bản áp dụng phác đồ trong toàn bệnh viện. Văn bản cần quy định rõ việc tuân thủ phác đồ là trách nhiệm của mỗi bác sĩ, giám sát việc tuân thủ phác đồ là trách nhiệm của trưởng khoa lâm sàng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, thường trực hội đồng thuốc và điều trị cùng thành viên ban giám đốc được phân công”.

(PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

 HOÀNG LINH