Chuẩn bị tốt các điều kiện thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6
(BDO)
Cán bộ quản lý, giáo viên tham gia hội thảo giới thiệu sách trực tuyến tại điểm cầu phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một
Thầy cô tiếp cận với sách mới
Trong tuần vừa qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản giới thiệu các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6. Theo đó, Bình Dương chọn các bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt là: “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo”. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, không tập trung đông người nên hội thảo được tổ chức trực tuyến tại nhiều điểm cầu trong tỉnh. Hình thức này còn tạo thuận lợi cho các thầy cô ở các huyện như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên không phải di chuyển xa xôi.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết chương trình hội thảo nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên sớm tiếp cận với những điểm mới về quan điểm biên soạn các bộ SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nắm được cấu trúc, nội dung các SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Qua hội thảo, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về SGK lớp 2, lớp 6 để ngành có cơ sở lựa chọn SGK theo Thông tư số 25/2020/ TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ GD-ĐT.
Với tính chất quan trọng của chương trình, trong suốt những ngày diễn ra hội thảo, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia với tinh thần, thái độ nghiêm túc, xuyên suốt. Các thầy cô cũng tích cực thảo luận, trao đổi nhằm nắm bắt thông tin chính xác nhất về các bộ SGK được phê duyệt. “Sau hội thảo, các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tiếp tục đọc các bộ sách và căn cứ các tiêu chí lựa chọn sách của tỉnh để lựa chọn SGK giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phù hợp với địa phương”, ông Phong nói.
Sau hội thảo này, theo hướng dẫn, các thầy cô đọc sách mẫu, chủ yếu là đọc trên mạng. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, năm nay, các nhà xuất bản đã sớm gửi bản sách đọc trực tuyến ở tất cả các môn của 2 khối lớp này, tạo điều kiện cho giáo viên có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Theo quy trình, sau khi có kết quả lựa chọn SGK của tỉnh và sau khi các nhà xuất bản cung cấp SGK, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn sử dụng SGK mới cho tất cả giáo viên dạy lớp 2, lớp 6.
Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ ngày; khuyến khích các trường THCS đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ở các nông thôn Dầu Tiếng, Phú Giáo, số HS tương đối ổn định, các trường tiểu học, THCS thuận lợi trong việc tổ chức dạy 2 buổi cho HS. Trong khi đó, với tình hình tăng HS hàng năm của tỉnh, một số địa phương như: TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình này.
Theo ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng GD-ĐT TX.Tân Uyên, hiện thị xã có 9 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ ngày trong số 16 trường tiểu học. Năm nay một số trường tiểu học cố gắng bổ sung thêm phòng học để duy trì tổ chức dạy 2 buổi. Cụ thể, năm học 2020-2021 trường Tiểu học Thạnh Phước xây dựng thêm 4 phòng học, hiện nay đang có kế hoạch xây dựng thêm 9 phòng nữa để bảo đảm tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho HS lớp 2 trong năm học 2021-2022.
Còn tại TP.Thuận An, địa phương có số HS tăng cao nhất tỉnh hàng năm, trong khi các trường THCS tổ chức dạy 2 buổi/ ngày đạt tỷ lệ 100% thì ở bậc tiểu học có đến 13 trường dạy 1 buổi. Hàng năm, địa phương này đều được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng thêm trường lớp nhưng vẫn không kịp đáp ứng với số HS tăng cao theo từng năm. Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Thuận An, ngành sẽ chờ kết quả tuyển sinh lớp 1 sắp tới, sau đó sẽ có kế hoạch ưu tiên tổ chức dạy 2 buổi/ ngày cho HS lớp 1 và lớp 2. Tuy nhiên, số trường tổ chức dạy 2 buổi cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước tình hình này, ở những trường tổ chức dạy 1 buổi sẽ tổ chức dạy vào ngày thứ 7 để bảo đảm chất lượng giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành GD-ĐT của các địa phương khác cũng thông tin, dù còn những khó khăn về trường lớp ở một số địa phương khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng không vì thế để ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Cùng với chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, ngành GD-ĐT đang có kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học. Chương trình giáo dục phổ thông mới giúp phát triển phẩm chất, năng lực HS, do đó thiết bị dạy học cũng đa dạng, nhiều chủng loại. Hiện tại Sở GD-ĐT đang tổng hợp nhu cầu mua sắm thiết bị dạy học từ cơ sở để thực hiện mua sắm tập trung cho toàn ngành.
ÁNH SÁNG