Ngành Giáo dục - Đào tạo:
Chuẩn bị kiến thức cho học sinh thi quốc gia
(BDO) Như trước đây chúng tôi đã đưa tin, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ấn định từ ngày 22 đến 24-6. Kỳ thi năm nay được tổ chức thi 5 bài gồm: 3 bài thi độc lập là ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp gồm: khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn sử, địa, giáo dục công dân).
Để giúp thí sinh đạt cả 2 mục đích ở kỳ thi, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có sự chuẩn bị kiến thức cho các em ngay từ rất sớm. Năm 2017, nội dung đề thi THPT quốc gia nằm trong chương trình lớp 12 THPT, do đó giáo viên tập trung cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh (HS), đồng thời dạy đến đâu củng cố kiến thức đến đó. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu năm học các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã cho HS đăng ký các môn theo tổ hợp môn xét tuyển đại học, sau đó phân chia lớp và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tăng tiết theo năng lực học tập của các em. Bên cạnh đó, giáo viên cũng biên soạn tài liệu giảng dạy, giúp HS thích ứng với yêu cầu đổi mới thi cử, đáp ứng kỳ thi quốc gia năm 2017. Và khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi quốc gia, các nhà trường và giáo viên đã có bước chuyển kịp thời trong việc tổ chức giảng dạy cho HS. Ông Ngô Thanh Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Bến Cát, cho biết theo phương án thi THPT quốc gia năm nay, chỉ duy nhất môn ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Để HS làm quen dần với hình thức thi mới, giáo viên giảng dạy và cho HS làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Sau khi có kết quả kiểm tra, giáo viên rút kinh nghiệm trong việc tổ chức giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu làm bài trắc nghiệm.
Giáo viên được tập huấn kỹ năng giảng dạy và ra đề trắc nghiệm. Ảnh: H.THÁI
Cùng với sự chủ động của các trường, Sở GD-ĐT đã phối hợp với trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên ở các môn thi quốc gia. Theo đó, giáo viên được tập huấn kỹ năng ra đề trắc nghiệm, kỹ năng giảng dạy HS theo hình thức thi trắc nghiệm. Sắp tới đây, sở sẽ tổ chức tập huấn xây dựng ma trận đề và biên soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan các môn sử, địa, giáo dục công dân lớp 12 cho giáo viên bộ môn. Sự chuẩn bị sớm của ngành giúp cho HS an tâm vì được cung cấp đầy đủ kiến thức và làm quen với cách thức thi mới.
“Vừa bước sang học kỳ II, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch ôn tập và kiểm tra học kỳ cho HS. HS lớp 12 sẽ kiểm tra theo đề chung của sở gồm các môn: văn, toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, sử, địa, giáo dục công dân. Sở GD-ĐT cũng đã thực hiện kiểm tra theo hình thức và dạng đề thi THPT quốc gia năm 2017. Cụ thể, môn ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các môn còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Và để HS không bỡ ngỡ trước kỳ thi quốc gia, từ ngày 15 đến 19-5, sở sẽ tổ chức thi thử quốc gia. Quy trình tổ chức thi học kỳ II, thi thử quốc gia được thực hiện nghiêm túc như kỳ thi thật. Sau khi nhận đĩa CD đề kiểm tra, các đơn vị thực hiện quy trình in sao, đóng gói, niêm phong, bảo mật đề kiểm tra, tổ chức kiểm tra học kỳ II theo đúng quy trình của sở. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án chấm bài kiểm tra bảo đảm an toàn, nghiêm túc, bảo quản bài kiểm tra sau khi chấm cẩn thận, đầy đủ theo đúng quy chế”. (Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT)
Theo quy chế thi quốc gia năm 2017, kỳ thi quốc gia năm nay mỗi tỉnh tổ chức một cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Sắp tới đây, khi Bộ GD-ĐT có chức kỳ thi quốc gia, sở sẽ có những công việc chuẩn bị tiếp theo, còn hiện tại giáo viên các trường THPT đang dồn sức, chuẩn bị kiến thức thật tốt cho HS, làm hành trang để các em vững tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia có nhiều đổi mới, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua.
H.THÁI