Chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết: Nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định

Thứ bảy, ngày 14/12/2019

(BDO) Sức mua sắm những ngày này trên thị trường bắt đầu tăng lên. Hiện các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã và đang chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu và cam kết giữ ổn định giá từ nay đến hết mùa cao điểm mua sắm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.


Khách hàng mua sắm hàng bình ổn tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng

Hiện Sở Công thương đang triển khai chương trình bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Những mặt hàng được giữ giá ổn định so với thị trường là hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp cuối năm vào dịp Tết Nguyên đán 2020.

Đến nay, 12 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu năm 2020 đã chuẩn bị lượng hàng hóa với tổng giá trị 4.167,5 tỷ đồng, trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán khoảng 1.463,3 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này tiếp tục đưa 5 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn giá gồm lương thực thực phẩm, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người. Lượng hàng bình ổn chiếm từ 30 - 40% nhu cầu thị trường, sẽ tăng dần vào thời điểm giáp tết.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết đến thời điểm này các doanh nghiệp đã hoàn tất kế hoạch liên kết với nhà cung cấp hàng hóa để bảo đảm nguồn cung ổn định và bình ổn giá dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã triển khai xong kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa tết với số lượng tăng gần 50% so với tháng thường. Đồng thời, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị các chuyến đưa hàng về vùng xa để tạo điều kiện cho người dân được mua sắm hàng hóa phục vụ tết, tránh tình trạng đổ xô về trung tâm thị xã, thành phố mua hàng gây ách tắc giao thông, thiếu hàng hóa cục bộ.

Bà Vũ Thanh Trúc, Giám đốc Siêu thị Co.opmart chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một), cho biết để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 15 - 40% so cùng kỳ năm trước. Hiện hệ thống kho chứa của siêu thị đã sẵn sàng triển khai kế hoạch khi thị trường cần. Siêu thị sẽ huy động hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh hoặc từ các kho ở khu vực lân cận để bảo đảm cung ứng nguồn hàng kịp thời cũng như bình ổn giá thị trường. Đối với nguồn cung thịt heo, hệ thống siêu thị Co.opmart toàn quốc đã chuẩn bị khoảng 3.500 tấn thịt. Vì vậy, sẽ không có tình trạng thiếu hàng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Đối với việc bán hàng lưu động, tập trung tại các huyện phía bắc và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đại diện các địa phương cho biết đã làm việc với các đơn vị, nhà bán lẻ để chọn vị trí bán hàng hóa phù hợp. Theo Phòng Kinh tế TX.Bến Cát, thị xã luôn thống nhất chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà cung cấp thực hiện những chuyến bán hàng về nông thôn, các khu vực dân cư tập trung đông nhằm bảo đảm hàng hóa được cung cấp đầy đủ cho người dân dịp cuối năm.

Nỗ lực ổn định giá

Thời điểm này thị trường hàng hóa đang sôi động; các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa tết, khuyến mại với các mặt hàng tiêu dùng, may mặc... cũng bắt đầu gia tăng. Vì vậy, việc nỗ lực kiềm chế đà tăng giá chung trên thị trường là trách nhiệm đang được đặt lên hàng đầu của các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

Về nỗ lực ổn định giá bán tại siêu thị, bà Trúc thông tin từ đầu năm đến nay siêu thị Co.opmart đã phải áp giá mới đối với một số mặt hàng ngoài chương trình bình ổn với mức tăng thêm trong khoảng 5 - 10%. Gần đây, một số nhà cung cấp tiếp tục yêu cầu điều chỉnh giá đầu vào. Tuy nhiên, siêu thị không thể áp dụng mức giá tăng như đề nghị, vì cuối năm áp lực tăng giá nhiều mặt hàng rất lớn. Việc tăng giá cần có lộ trình và nếu tăng cũng phải áp dụng mức giá phù hợp để tránh gây sốc cho người tiêu dùng.

Cũng theo bà Trúc, mặc dù tăng giá bán nhưng phía siêu thị cũng đồng thời áp dụng các chính sách tặng quà khuyến mại, giảm giá cho hóa đơn mua hàng nhằm giảm áp lực tăng giá với tất cả người tiêu dùng khi đến mua sắm tại siêu thị Co.opmart. Riêng đối với nguồn cung mặt hàng thịt heo, siêu thị đã chuẩn bị xong nguồn cung với giá tốt từ các đơn vị cung cấp lớn, như Vissan, để phục vụ chương trình bình ổn giá của tỉnh.

Song song đó, siêu thị còn chuẩn bị một lượng lớn mặt hàng thịt gà, thịt vịt, thủy sản, hải sản... Trong những ngày cận tết, giá các mặt hàng này sẽ được giảm từ 30 - 40% tùy loại nhằm góp phần kiềm chế đà tăng giá mặt hàng thịt theo trên thị trường.

Tương tự, đại diện siêu thị Big C cho hay, tăng giá là không thể tránh được trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, khi nhận được đề nghị tăng giá phía siêu thị sẽ làm việc với nhà cung cấp để việc tăng giá diễn ra thấp nhất có thể, bởi tăng giá sẽ dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn hơn. Chính vì vậy, siêu thị sẽ thương lượng với nhà cung cấp để tìm ra “tiếng nói chung” có lợi cho người tiêu dùng lẫn nhà cung cấp. Trong những ngày cuối năm, siêu thị sẽ cố gắng giữ mặt bằng giá ổn định với nhiều sản phẩm đang bày bán trong siêu thị.

Hiện toàn tỉnh có 100 chợ, 15 siêu thị, 5 trung tâm thương mại, 165 cửa hàng tiện lợi. Với các giải pháp chủ động ổn định cung, cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, triển khai các điểm bán hàng về vùng xa, đưa hàng Việt về nông thôn… cùng với các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tin tưởng dịp Tết Nguyên đán sắp tới người dân trong tỉnh sẽ được cung cấp đầy đủ hàng hóa, giá cả phù hợp, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm…

 THANH HỒNG