Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia: Kinh nghiệm ôn tập nhằm nâng cao chất lượng môn ngữ văn

Thứ sáu, ngày 22/05/2015

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đang ngày càng đến gần. Do là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi chung, không có hướng dẫn ôn tập từ Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), nên giáo viên (GV) các bộ môn thi đã cùng ngồi lại và thống nhất nội dung ôn tập. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm giảng dạy môn ngữ văn, do các thầy cô cùng chia sẻ tại hội thảo do Sở GD-ĐT vừa tổ chức.

(BDO) dạy môn Ngữ văn trường THPT Trịnh Hoài Đức

GV dạy môn Ngữ văn trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) khẩn trương ôn tập cho HS lớp 12. Ảnh: H.THÁI

Trong kỳ thi môn Ngữ văn THPT quốc gia năm nay có thêm phần đọc hiểu văn bản. Theo Bộ GD-ĐT, phần đọc hiểu có thể ra trong chương trình và cả ngoài chương trình, câu hỏi phần đọc hiểu cũng phong phú, đa dạng. Theo kinh nghiệm của tập thể GV dạy văn của trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo), các thầy cô cố gắng giảng dạy nhiều ở phần này. GV dạy đầy đủ văn bản chính khóa và đọc thêm trong chương trình; Tìm một số văn bản có cùng đề tài, chủ đề, thời điểm sáng tác… làm tài liệu giảng dạy; sử dụng một số văn bản các em đã được học ở cấp 1, cấp 2; đặc biệt sưu tầm một số văn bản mới sáng tác được đăng tải trên mạng có tính thời sự, những sự kiện đang xảy ra được dư luận quan tâm. GV chú ý ra câu hỏi tập trung những dạng như: Xác định hoàn cảnh ra đời, nêu chủ đề, xác định thể thơ, các biện pháp nghệ thuật và tác dụng, hình tượng được khắc họa trong bài thơ, cảm nhận của cá nhân về hình tượng hoặc vấn đề xã hội có liên quan đến văn bản, phong cách văn bản…

Thầy Lê Hoàng Tuấn Anh, GV dạy văn cũng nhắc nhở học sinh (HS), các em phải nắm vững kiến thức tiếng Việt mà GV đã cung cấp; có kỹ năng tìm chủ đề, nêu đại ý, đặt tiêu đề văn bản; chú ý học tập những văn bản mà thầy cô đã dạy; đọc thêm một số văn bản khác và tự tìm hiểu ý nghĩa văn bản dựa vào kiến thức đã học. Các em cũng nên xem, nghe chương trình thời sự để có kiến thức từ thực tế cuộc sống.

Với GV Lê Thượng Thanh Hương, trường THPT Tây Nam (TX.Bến Cát), phương pháp dạy phần đọc hiểu văn bản thơ là cho HS làm bài độc lập tại lớp trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó HS đứng lên tại chỗ hoặc lên bảng sửa, cuối cùng GV định hướng, chốt ý, ghi bảng. Đối với những bài khó, GV cho HS làm theo nhóm, sau đó đại diện HS trình bày và GV chỉnh sửa, định hướng lại cho HS.

Hàng năm, trường THPT Dĩ An có tỷ lệ HS thi đậu đại học khá cao. Ngoài nỗ lực của HS, còn có công bồi dưỡng, giảng dạy của GV các bộ môn. Đối với tổ ngữ văn, các thầy cô cũng đã có định hướng ôn tập phần đọc hiểu văn bản nghệ thuật phần văn xuôi cho HS. Thầy cô ôn những tác phẩm có trong chương trình, kể cả bài đọc thêm. Ngoài ra, GV còn tìm thêm những văn bản của cùng tác giả hoặc cùng đề tài, cùng giai đoạn. Đối với HS, các em phải nắm vững kiến thức trong chương trình, biết tìm hiểu thêm những tác phẩm có liên quan, biết vận dụng kiến thức đáp ứng các dạng câu hỏi nêu trên, mở rộng kiến thức bằng cách tự đặt ra tình huống để giải quyết. Khi làm bài, các em cần đọc kỹ văn bản, xác định yêu cầu của văn bản; gạch dưới những từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, câu văn quan trọng trong văn bản đã cho. Các em cũng chú ý làm bài liền mạch theo trật tự câu hỏi vì câu trước luôn là tiền đề để giải quyết câu sau.

Cô Phạm Thị Ngọc Hiệp, trường THPT Thường Tân (Bắc Tân Uyên), cũng nhắc nhở HS, khi đọc hiểu các văn bản: Chính luận, báo chí, khoa học, HS cần nhận dạng đúng phong cách ngôn ngữ; nắm được các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ để giải quyết được các câu hỏi liên quan; nắm được các phương tiện diễn đạt; hiểu đúng nội dung của văn bản và có thể đưa ra những ý kiến, cảm nhận của bản thân về một vấn đề được đề cập đến trong văn bản.

Những kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập của các thầy cô với nhau thật là quý báu, tất cả cùng một mục tiêu chung là nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia. Do đó, những cái hay, cái mới, sự sáng tạo của người thầy đã được các đồng nghiệp chia sẻ, truyền bá cho nhau trước kỳ thi THPT quốc gia năm nay. 

  H.THÁI