Chùa Thuận Thiên và tín ngưỡng thờ Bà Chúa Thai Sanh

Thứ ba, ngày 19/08/2014

(BDO) Chùa Thuận Thiên tọa lạc tại số 18 đường Hùng Vương, P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Nhìn bề ngoài, chùa Thuận Thiên cũng như bao ngôi chùa khác. Do nằm kề bên chùa Ông (chùa Con Ngựa) nên khách du xuân đầu năm thường ghé chùa sau khi đã ghé chùa Bà Thiên Hậu và chùa Ông mà ít ai biết chùa Thuận Thiên không những có một lịch sử lâu đời mà còn là ngôi chùa duy nhất ở Bình Dương thờ Bà Chúa Thai Sanh - bà chúa trông coi, phù hộ, giúp đỡ cho phụ nữ trong việc sinh nở. Đây cũng là điểm đến tâm linh của rất nhiều người hiếm muộn cũng như những đứa trẻ khó nuôi, hay quấy khóc, bệnh tật.

Toàn cảnh chùa Thuận Thiên

Sinh con là thiên chức cao quý mà tạo hóa đã ban cho người phụ nữ. Nhưng đó cũng là công việc nặng nhọc và đòi hỏi người mẹ phải có kiến thức, kinh nghiệm để có thể bảo đảm an toàn trong suốt quá trình mang thai. Trước đây, khi điều kiện y tế cũng như việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan đến việc sinh nở còn hạn chế, sản phụ dễ bị gặp rủi ro trong quá trình mang thai, đặc biệt là khi sinh. Thấy được điều đó, các mệnh phụ phu nhân ở làng Phú Cường xưa đã họp nhau lập nên một tổ chức gọi là Khuê Trung Nghĩa Hội. Tuy tiêu chí chung của hội là hoạt động từ thiện, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong mọi mặt đời sống nhưng vẫn đặc biệt coi trọng, giúp đỡ phụ nữ trong việc sinh nở. Đây là tổ chức chỉ duy nhất ở Bình Dương mới có.

Hội được thành lập trước năm 1898, thu hút được một lượng đông đảo phụ nữ ở mọi tầng lớp tham gia với số người ban đầu từ 80 - 100 hội viên. Hội trưởng đầu tiên là bà Nguyễn Thị Nguyệt (hiện trong chùa vẫn còn bài vị của bà). Khuê Trung Nghĩa Hội ra đời đã giúp đỡ rất nhiều phụ nữ vượt qua được thời điểm khó khăn, làm tròn thiên chức của người mẹ. Nhưng dân gian vốn quan niệm “con cái là của trời cho”, công việc giúp đỡ sản phụ cũng như mọi phụ nữ đều cần phải có một chút tâm linh và phải có sự bảo trợ, phù hộ, ban phước của người trên. Năm 1898, hội trưởng lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Nguyệt đã đứng tên khai sơn xây dựng chùa, lấy tên là Thuận Thiên cung.

Bàn thờ Thuận Thiên Thánh mẫu (Bà Chúa Thai Sanh) Ảnh: Đ.T

Chùa thờ Bà Chúa Thai Sanh cùng 12 bà mụ là những vị thần bảo trợ, phù hộ, dạy dỗ cho đứa trẻ từ lúc còn trong bụng mẹ cho tới khi đứa trẻ tròn một tuổi. Chùa được xây dựng đáp ứng nguyện vọng tâm linh của mọi phụ nữ gần xa và cũng tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động của hội. Chùa ban đầu không thờ Phật. Vào khoảng năm 1979-1980, có một phật tử người Hoa làm chủ một tiệm giải khát gần đó, gọi là chú Tỷ đã thỉnh một tượng Phật về thờ, từ đó chùa có tên là chùa Thuận Thiên, không gọi là Thuận Thiên cung nữa. Chùa chịu sự quản lý của Khuê Trung Nghĩa Hội từ năm 1898-1982, đến năm 1983, chùa Thuận Thiên được gia nhập vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Sông Bé (sau là Phật giáo Bình Dương). Tới năm 1997, chùa chính thức được Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương ban hành quyết định bổ nhiệm Ban hộ tự gồm 6 vị để điều hành Phật sự tại bổn tự do cư sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh làm trưởng ban.

Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo vào các năm 1992, 1993 và năm 2000 nhưng ngay từ ban đầu chùa đã là một ngôi chùa rất lớn, các đợt trùng tu sau này chỉ nâng nền và xây cao thêm. Trong chùa còn giữ được khá nhiều hiện vật được làm từ khi xây dựng chùa. Điển hình có hai bức hoành phi đề “Thuận Thiên cung”, “Hộ quốc tí dân” và hai bức tranh sơn mài khảm xà cừ được 4 bà Phó hội cúng dường năm Kỷ Hợi (1899), nghĩa là chỉ sau khi xây dựng chùa 1 năm.

Chùa ban đầu mang tên Thuận Thiên cung hay sau này đổi thành chùa Thuận Thiên nhưng trong dân gian thường gọi tên chùa Bà Chúa, bởi nơi đây thờ Bà Chúa Thai Sanh. Tín ngưỡng thờ Bà Mụ là một tín ngưỡng khá phổ biến trong dân gian. Ông bà ta xưa quan niệm rằng đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà Chúa đầu thai), Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 vị Tiên Nương (12 Bà Mụ) nặn ra ban cho. Các bà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ, bảo đảm an toàn cho đứa trẻ từ khi là một bào thai cho đến khi đầy 1 tuổi. Vì vậy, dù trong gia đình không có trang thờ bà thì khi đứa trẻ đầy cữ (đứa trẻ chào đời được 3 ngày), đầy tháng (đứa trẻ chào đời được một tháng), đầy năm; bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.

Bà Mụ là từ chỉ chung cho 13 vị thánh gồm Kim Hoa Thánh mẫu là vị thần đứng đầu hệ thống thần bảo sanh mà người Hoa (gốc Quảng Đông) gọi là Huệ Phước phu nhân. Người Minh Hương và người Việt gọi là Chú Sanh nương nương hay Bà Chúa Thai Sanh. 12 bà Mụ còn gọi là Thập nhị hoa bà là 12 nữ thần phụ giúp Kim Hoa Thánh mẫu, chú tạo và phù hộ thai nhi, thai phụ, công việc của 12 bà được phân bổ trong 12 tháng cho đến ngày đứa trẻ thôi nôi.

Gian thờ Bà Chúa Thai Sanh và 12 bà Mụ được trang trọng đặt ở cung thứ 3 - cung trong cùng. Ở giữa là bàn thờ Bà Chúa Thai Sanh, hai bên có thần Thiên Lý Nhãn và thần Thuận Phong Nhĩ đứng hầu. Thần Thiên Lý Nhãn là thần có khả năng nhìn xa ngàn dặm, trong khi thần Thuận Phong Nhĩ lại có thể nghe xa ngàn cây số. Hai thần đứng hai bên bà ý chỉ bà có thể nghe, thấy nỗi lo âu và ban phước cho rất nhiều sản phụ, dù người đó có ở xa xôi cách mấy. Bên phải bàn Bà Chúa Thai Sanh là bàn thờ Thái Âm nương nương, ngoài tượng Thái Âm nương nương còn có tượng 6 bà mụ trên tay đều có bồng, bế hoặc dắt theo bé gái. Cha mẹ nào muốn cầu có con gái thì lễ ở bàn này. Ngược lại, ở bàn thờ Thái Dương nương nương cũng có tượng 6 bà mụ nhưng trên tay lại dắt theo 6 bé trai. Cha mẹ nào muốn cầu có con trai thì lễ ở bàn này.

Chùa Thuận Thiên hàng năm tổ chức cúng vào ngày 19-3 (AL) tập trung rất đông hội viên trong hội và những người có tín ngưỡng. Bên cạnh chùa hiện nay vẫn còn tổ chức khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến phụ nữ, con cái. Người muốn cầu con thường đến đây xin lộc bà hoặc trẻ con hay đau ốm, quấy khóc cha mẹ cũng thường đưa tới đây để xin bà phù hộ cho đứa trẻ được khỏe mạnh, ít bệnh tật.

ĐỖ THANH