Chưa “già” sao vội tăng tuổi nghỉ hưu?
(BDO) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết cơ quan này đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ vào năm 2017. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động năm 2012 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 31-10 tới. Những ngày qua, người dân trong nước đón nhận thông tin này với nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó đa số ý kiến cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, chưa “già” sao đã vội tăng tuổi nghỉ hưu?
Theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, có nhiều nguyên nhân để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cơ bản vẫn tập trung vào hai yếu tố trọng tâm: Lo ngại tình trạng mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tương lai và bảo đảm bình đẳng giới. Hiện tại, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam giới là đủ 60 và nữ giới đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ hưu trước thời hạn. Để cân đối quỹ BHXH và bảo đảm bình đẳng giới, tuổi nghỉ hưu của nam dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng lên 62 và nữ lên 58. Phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được Bộ LĐ-TB&XH tính toán kỹ lưỡng, có lộ trình cụ thể và thực hiện từng bước...
Đối với tình trạng mất cân đối quỹ BHXH, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hiện đang ở giai đoạn dân số vàng với nguồn nhân lực dồi dào, đa số đều ở trong độ tuổi lao động nên vấn đề mất cân đối quỹ BHXH sẽ còn lâu mới diễn ra. Theo thống kê khi Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số vàng năm 2007, tỷ lệ người lớn và trẻ em tại Việt Nam là 4/1; tỷ lệ người trẻ và người già là 10/1. Như vậy, số người phụ thuộc và người hưởng lương hưu trên tổng số lao động ở giai đoạn “dân số vàng” là rất thấp. Còn theo thống kê của chính Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam hiện chiếm 10,5% dân số. Dự kiến đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Nếu cộng với dân số tăng thêm từ nay đến năm 2050 thì tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số vào năm 2050 cũng chỉ tương đương như hiện nay. Trong khi đó, không phải tất cả người cao tuổi nào cũng đều được hưởng lương hưu, nên việc “vỡ quỹ” BHXH vào thời điểm này cũng khó diễn ra.
Đối với vấn đề bình đẳng giới, tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ để giải quyết những “tranh cãi” lâu nay chủ yếu vẫn bó hẹp trong phạm vi nhóm lao động nữ có công việc nhẹ nhàng, nữ cán bộ quản lý. Còn đối với đại đa số lao động phổ thông thì chưa có cuộc điều tra, thống kê quy mô nào mang tính xã hội được tiến hành, để từ đó đánh giá một cách khách quan, biện chứng trên cơ sở kết hợp giữa lý luận với thực tiễn. Đó là chưa nói đến vấn đề bình đẳng giới cũng cần tính đến thiên chức làm mẹ, làm vợ của nữ giới với những công việc không tên, vất vả hơn rất nhiều so với nam giới. Như vậy, tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ có thể giải quyết được vấn đề bình đẳng giới đối với vài ngàn cán bộ quản lý, nhưng sẽ có vài triệu lao động ở những ngành nghề khác nhau không mong muốn bình đẳng giới theo hướng này.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, tăng tuổi nghỉ hưu còn đồng nghĩa với việc tước mất cơ hội việc làm của hàng ngàn lao động trẻ đang khát khao được cống hiến trong bối cảnh cơ hội việc làm chưa rộng mở như hiện nay. Do vậy, tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này là chưa thật cần thiết.
LÊ QUANG