Chưa công khai bản kê khai tài sản tại nơi cư trú
Công khai bản kê khai tài sản tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác.
Sáng 23-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng với 94,98% ý kiến đại biểu có mặt tán thành.
Giữ nguyên phạm vi đối tượng kê khai tài sản, thu nhập
Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản phải phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý và kiểm soát hiện nay của Nhà nước ta thì mới bảo đảm tính khả thi. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi đối tượng như quy định của Luật hiện và sẽ tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để mở rộng diện phải kê khai khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật này.
Về ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai, UBTVQH cho rằng, việc mở rộng đối với các đối tượng này là khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Trường hợp bố mẹ, con, anh chị em ruột đã thành niên là cán bộ, công chức, viên chức thì họ đã phải kê khai theo quy định; còn trường hợp họ không phải là công chức, viên chức, theo quy định của pháp luật hiện hành họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, kể cả việc họ có kê khai hay không kê khai.
Công khai bản kê khai, giải trình về tài sản tăng thêm
UBTVQH cho rằng công khai bản kê khai tài sản là quy định mới về phòng ngừa tham nhũng, góp phần minh bạch tài sản, thu nhập để tiến tới kiểm soát thu nhập, đồng thời tạo điều kiện việc giám sát, phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới nên cần có bước đi thận trọng, nghiên cứu kỹ, toàn diện về nhiều mặt, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý, kiểm soát thu nhập hiện nay của Nhà nước ta.
Trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức thực hiện việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng công khai tại nơi cư trú khi sửa đổi toàn diện Luật này.
Nội dung này được quy định rõ tại Điều 46a của Luật đã được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, Điều 46b của Luật quy định người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này. Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình.”
Về xác minh tài sản, Điều 47 quy định căn cứ để xác minh tài sản bao gồm: Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản; Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; Khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 47a của Luật này; Khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản ra quyết định xác minh tài sản.”
Có thể đình chỉ công tác để điều tra tham nhũng
Luật sửa đổi quy định, khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải xem xét việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải hủy bỏ quyết định và công bố công khai tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác và khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ, chuyển vị trí công tác khác, việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.”
Liên quan đến vấn đề này, Khoản 4 Điều 55 được sửa đổi, bổ sung: Trong kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ: Yếu kém về năng lực quản lý; Thiếu trách nhiệm trong quản lý; Bao che cho người có hành vi tham nhũng.
Kết luận phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ.
* Cũng trong sáng 23-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (90,16% ý kiến tán thành); Nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án (96,39% ý kiến tán thành).
Theo VOV