Chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa: Một hướng đi đột phá và cần thiết
Chủ trương xây dựng các khu dân cư nông thôn (KDCNT) của Công ty Cổ phần Cao su (CPCS) Phước Hòa đã được các cấp, ngành hoan nghênh. Việc hình thành các KDCNT không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, nhân dân trong vùng mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển của các địa phương...
Một chủ trương đúng
Việc xây dựng các KDCNT trên phần đất do mình quản lý của Công ty CPCS Phước Hòa được đánh giá là một chủ trương đúng đắn và kịp thời, vì nó đáp ứng nhu cầu thiết thực của cán bộ, công nhân viên chức trong công ty nói riêng và của cả cộng đồng dân cư nói chung. Đây còn là một mô hình mới nhằm phát triển đô thị nông thôn trong tương lai. Theo đó, Công ty CPCS Phước Hòa đã có chủ trương xây dựng 6 KDCNT tại 6 xã trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Bến Cát và Tân Uyên, mỗi khu từ 15 đến 40 ha.
Trong năm 2008 và 2009 vừa qua, Công ty CPCS Phước Hòa cũng đã triển khai lập quy hoạch 2 KDCNT tại huyện Bến Cát, gồm KDC Nông trường Cao su Lai Uyên với diện tích 9,5 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn I hơn 36 tỷ đồng và KDC Nông trường Cao su Tân Hưng, diện tích 12,6 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn I hơn 54 tỷ đồng. Thực chất của các KDCNT mà Công ty CPCS Phước Hòa xây dựng là nhằm phục vụ cán bộ, công nhân viên của công ty nơi có các nông trường trú đóng. Các địa điểm được chọn để xây dựng KDCNT là tại các xã đã hình thành được cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, như có văn phòng làm việc của UBND xã, có trường học, trạm y tế, chợ... Vì vậy, khi xây dựng các KDCNT này, Công ty CPCS Phước Hòa chỉ cần xây dựng thêm vào các hạng mục công trình phụ cần thiết cho phù hợp với quy mô hiện trạng của các xã và kết nối với cơ sở hạ tầng hiện có nên giảm được phần nào chi phí xây dựng hạ tầng.
Mô hình mới, thiết thực
Chủ trương trên của Công ty CPCS Phước Hòa đã được lãnh đạo các huyện hoan nghênh vì nhiều lý do. Trước hết việc hình thành các KDCNT nói trên sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển của các huyện. Kế đến người dân sống xung quanh các KDCNT cũng sẽ được hưởng lợi, vì một khi KDCNT hình thành sẽ kéo theo sự phát triển dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, các KDCNT hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ở cho công nhân lao động và cả người dân trong vùng.
Công nhân Lê Thị Hiền, Nông trường Cao su Vĩnh Bình, bộc bạch: “Trong những năm qua, đời sống của công nhân khai thác mủ như chúng tôi khá ổn định và ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công nhân chúng tôi lúc nào cũng mong muốn có căn nhà ổn định để an tâm lao động sản xuất, nhưng vấn đề nhà ở vẫn là vấn đề quá lớn đối với chúng tôi. Nếu như công ty xây dựng được các KDCNT để bố trí chỗ ở cho công nhân với giá cả hợp lý thì quá tốt, vì hiện nay vẫn còn nhiều công nhân gặp khó khăn về nhà ở”.
Trong cuộc làm việc mới đây với Ban Giám đốc Công ty CPCS Phước Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Hà cho biết, UBND tỉnh hoan nghênh chủ trương xây dựng KDCNT của công ty. Tuy nhiên, đây là một hướng đi mới nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Hà cũng lưu ý công ty cần phối hợp với UBND các huyện để triển khai nhanh các dự án; nên quy hoạch các KDC này thành các KDC kiểu mẫu; trong quá trình triển khai cần chú ý đến cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
CAO SƠN