Chú trọng xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh

Thứ tư, ngày 18/12/2024

(BDO)  Chiều 16-12, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo “An toàn thông tin tỉnh Bình Dương năm 2024”. Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực đối với công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh hiện nay.

Ông Võ Hồng Phúc, Phó Trưởng Chi nhánh Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert) trình bày tham luận “Rủi ro lộ lọt thông tin, nhận diện và phòng chống”

 Thách thức trong chuyển đổi số

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương, cho rằng an toàn thông tin luôn là một trong những thách thức lớn đối với các địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc nhận diện rõ thực trạng và đề ra các giải pháp phù hợp là yếu tố quan trọng để xây dựng một môi trường số an toàn, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.

 Theo các chuyên gia, thách thức mới trong an toàn thông tin là các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, khai thác lỗ hổng bảo mật và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Thiếu nguồn lực chuyên môn về an toàn thông tin là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến khả năng ứng phó và phòng ngừa các nguy cơ mạng. Nhận thức về an toàn thông tin trong cộng đồng chưa đầy đủ cũng dẫn đến tình trạng lơ là bảo mật, tạo cơ hội cho tin tặc tấn công.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, cần phải bảo đảm an toàn hệ thống triển khai nền tảng xác thực tập trung; rà soát, cập nhật phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ cấp độ được phê duyệt. Bên cạnh đó, trang bị hệ thống giải pháp bảo mật, phần mềm chống thất thoát dữ liệu DLP; hệ thống khôi phục nhanh, phòng chống ransomware; tách biệt hạ tầng hệ thống thiết bị có kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời chủ động kiểm tra, tự đánh giá và cập nhật các bản vá lỗ hổng; tham mưu chính sách thu hút đủ mạnh các nhân sự có năng lực, nổi trội về lĩnh vực an toàn thông tin vào các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Trong khi đó, theo ông Võ Hồng Phúc, Phó Trưởng Chi nhánh Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert) TP.Hồ Chí Minh, trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng trở nên phức tạp và khó lường. Đặc biệt, vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đang đặt ra những thách thức to lớn cho công tác bảo mật.

“Rò rỉ thông tin cá nhân đang có chiều hướng gia tăng sau dịch bệnh Covid-19. Điều này là do người dùng bị cách ly, phải làm việc từ xa trong thời gian dài và dùng mạng xã hội thường xuyên, dẫn đến không có sự kiểm soát, từ đó dễ bị lừa vào các hội nhóm lừa đảo trực tuyến”, ông Võ Hồng Phúc nói.

Triển khai hệ thống SOC với 11 máy chủ giám sát, cung cấp khả năng theo dõi phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa mạng 24/7

Để môi trường mạng an toàn, lành mạnh

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh chính quyền tỉnh Bình Dương luôn đẩy mạnh ứng dụng chính quyền số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp số hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường toàn cầu; xây dựng xã hội số, kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện tiếp cận thông tin hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng được môi trường mạng an toàn, lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Hiện Bình Dương đã triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số. Hạ tầng đã được nâng cấp đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; đã được phê duyệt cấp độ hệ thống thông tin đạt tỷ lệ 100% (234 hệ thống). Các hệ thống thông tin được giám sát tập trung về Trung tâm Giám sát (SOC) của tỉnh và hệ thống giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để giám sát và cảnh báo kịp thời các nguy cơ. Cán bộ, công chức, viên chức, người dân được tham gia các lớp về an toàn thông tin qua môi trường đào tạo trực tuyến.

5 nguyên tắc cơ bản để triển khai an ninh trật tự hiệu quả

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc điều hành Trung tâm ĐTG SOC, để triển khai an ninh trật tự hiệu quả, có 5 nguyên tắc cơ bản cần lưu ý. Thứ nhất: Sự tham gia và cam kết của lãnh đạo cấp cao là yếu tố quyết định, giúp bảo đảm công tác an ninh trật tự được thực hiện xuyên suốt và thống nhất. Thứ hai, tổ chức phải tập trung vào việc đánh giá và quản lý rủi ro an ninh mạng để triển khai các biện pháp bảo vệ phù hợp. Thứ ba, hệ thống an ninh trật tự cần có tính linh hoạt, dễ dàng điều chỉnh sao cho phù hợp với từng đặc thù tổ chức. Thứ tư, chiến lược bảo mật phải toàn diện, tích hợp các tiêu chuẩn ngành và tuân thủ quy định, bảo vệ mọi khía cạnh của hệ thống. Cuối cùng: Sự cải tiến liên tục là cần thiết để đối phó với những mối đe dọa mới, bảo vệ tổ chức trước các nguy cơ tiềm ẩn trong một thế giới số thay đổi nhanh chóng.

MINH HIẾU - MINH KHIÊM