Chú trọng trang bị kiến thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em gái

Thứ năm, ngày 02/12/2021

(BDO)  Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018-2021” (gọi tắt là Đề án 938). Theo đó, việc thực hiện Đề án này đã giúp phụ nữ, trẻ em tiếp cận và hiểu về pháp luật, vận dụng vào cuộc sống…

 Hội LHPN các cấp luôn quan tâm, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em khó khăn cũng như chú ý tuyên truyền pháp luật cho đối tượng này

 Theo nhận xét của bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, được sự quan tâm của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh, Đề án 938 đã được triển khai thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố. Hội LHPN các cấp đã bám sát mục tiêu của Đề án, triển khai các chủ đề gần gũi với cán bộ, hội viên như “An toàn thực phẩm”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, “Vai trò của phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, gắn với chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em”…

Các nội dung này được tổ chức dưới hình thức tọa đàm, hội thảo, thi viết, qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân. Những hoạt động về truyền thông, giám sát, đề xuất chính sách, lên tiếng và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực ngày càng hiệu quả.

Kết quả thực hiện Đề án, trong 3 năm qua các cấp hội đã triển khai tổ chức 13 hội thảo chuyên đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng chống bạo lực học đường, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và xây dựng gia đình bền vững… Có 55 hội thi bằng các hình thức được tổ chức để tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em; tổ chức 158 hội nghị tuyên truyền về Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, đồng thời phổ biến các kỹ năng phòng vệ để bảo vệ bản thân cho trẻ…

Nhiều mô hình hay từ việc thực hiện Đề án 938 cũng được ghi nhận. Có thể kể đến như TP.Thủ Dầu Một với mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”, “CLB võ thuật taekwondo cho trẻ em”. Hội LHPN TX.Bến Cát tổ chức 5 CLB “Niềm tin cho trẻ” với 80 thành viên…

Theo bà Phan Thị Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên, cùng với các ban ngành ở địa phương, hội phụ nữ đã thành lập 10 mô hình 3 không, đó là “Không bạo lực gia đình, không trẻ em bị xâm hại, không phụ nữ và trẻ em bị bỏ rơi” với 1.724 thành viên. Đây là lực lượng tích cực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến phụ nữ, trẻ em. Các huyện, thị, thành hội khác cũng tùy tình hình ở địa phương mà xây dựng các mô hình phù hợp. Toàn tỉnh hiện có 376 địa chỉ tin cậy cộng đồng với 1.316 thành viên, 32 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 866 thành viên, 103 CLB nuôi con khỏe, dạy con tốt với 3.252 thành viên cũng được duy trì tại các xã, phường, thị trấn…

Được sự quan tâm, phối hợp của các ngành chức năng, của Sở Tư pháp nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái ngày càng nâng cao. Riêng năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc thực hiện Đề án 938 không bị gián đoạn mà được tuyên truyền qua trang thông tin điện tử, loa đài, nhóm Zalo, Facebook... nhằm đưa các thông tin pháp luật kịp thời đến người dân.

 Toàn tỉnh hiện có 376 địa chỉ tin cậy cộng đồng với 1.316 thành viên, 32 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 866 thành viên, 103 CLB nuôi con khỏe, dạy con tốt với 3.252 thành viên… Trong 3 năm qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành chức năng lên tiếng, nắm bắt thông tin, hướng dẫn giải quyết 48 trường hợp trong đó có 31 vụ xâm hại trẻ em, 17 vụ bạo hành.

 QUỲNH NHƯ